Để triển khai đồng bộ trên tất cả các nội dung hoạt động, hàng năm, nhà trường tiến hành giao chỉ tiêu tuyển sinh đến các khoa, phòng. Phối hợp đào tạo với các trường dạy nghề trong và ngoài tỉnh như: Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, Trường Công nghệ và Nông lâm Phú Thọ, Trường Công nghệ và Thực phẩm Việt Trì, Trường Công nghiệp Thái Nguyên, Trường Cơ điện Phú Thọ…, tạo điều kiện cho người học nghề có nhu cầu tham quan, học tập.
Hiện nay, Trường đang đào tạo 21 nghề, trong đó, nghề phi nông nghiệp như: may thời trang, điện công nghiệp, hàn, cắt gọt kim loại, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí...; nghề nông nghiệp như: bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng nấm, trồng hoa cây cảnh…
Năm học 2016 -2017, Trường đã mở 54 lớp đào tạo nghề cho 1.920 học sinh, học viên; năm học 2017 - 2018 mở 65 lớp với 2.281 học sinh, học viên và năm học 2018 - 2019 mở 68 lớp với 2.441 học sinh, học viên.
Trong đó, hệ trung cấp nghề 10 lớp với 370 học sinh; bổ túc văn hóa hệ THPT là 7 lớp, 362 học sinh; dạy nghề phổ thông 26 lớp với 976 học sinh và dạy nghề theo Đề án 1956 là 25 lớp với 730 học viên.
Thầy Triệu Sỹ Trường - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Những năm gần đây, công tác tuyển sinh, mở lớp của Trường có chiều hướng tăng, số lượng học sinh, học viên không những là người của 4 huyện, thị phía Tây của tỉnh mà kể cả các địa phương khác có nhu cầu đăng ký học nghề chúng tôi đều nhận giảng dạy. Đối với nhà trường, ngoài việc học nghề, học văn hóa, chúng tôi còn đưa vào giảng dạy một số môn học bổ ích giúp học viên hoàn thiện bản thân như: giáo dục giới tính; cách phòng, chống các bệnh xã hội, bạo lực học đường… Trực tiếp giảng dạy là các chuyên gia, diễn giả hàng đầu về nói chuyện, trao đổi, tư vấn, hướng dẫn các kỹ năng xã hội, kỹ năng sống, giúp học viên tự tin hơn khi hòa nhập với môi trường học tập và làm việc”.
Để tăng cường công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, Trường đã xây dựng nhiều mô hình dạy nghề tại địa bàn các xã. Đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên bằng việc tăng cường công tác dự giờ, thăm lớp, kiểm tra hồ sơ giáo án, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường thời lượng thực hành, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tổ chức kiểm tra chặt chẽ, đúng quy chế để nâng cao chất lượng đào tạo, giúp học viên vững tay nghề, có đạo đức nghề nghiệp, có kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. Qua đó, 75% học sinh, sinh viên trình độ trung cấp nghề tìm được việc làm sau học nghề và đào tạo nghề. Tỷ lệ có việc làm lĩnh vực nông nghiệp đạt 81%, nghề phi nông nghiệp đạt 75%.
Thời gian tới, nhà trường tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, định hướng tư vấn, giới thiệu việc làm; xác định nghề đào tạo phù hợp với từng địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức xã hội về công tác học nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho lao động nông thôn.
Thái Hưng