Hòa cùng niềm hân hoan của Phật giáo toàn cầu đón mừng Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 được tổ chức tại chùa Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam với chủ đề "Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, những ngày này, tại các ngôi chùa trên địa bàn tỉnh cũng đang diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa kính mừng Đức Phật đản sinh, thu hút sự tham gia đông đảo của các tăng, ni, phật tử và nhân dân trong, ngoài tỉnh.
Ngày Phật đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật, có nguồn gốc từ Ấn Độ. Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức lễ Phật đản vào ngày 8/4 âm lịch, song tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên đã thống nhất ngày lễ Phật đản là 15/4 (âm lịch). Đây là một vinh dự lớn cho tất cả những người yêu mến và theo đạo Phật trên thế giới.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa - con của Vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Mada, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày rằm tháng Tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 8/4 âm lịch (theo lý giải của phái theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni (tiếng Pali gọi là Vesak, tiếng Phạn là Vaisakha).
Ở Việt Nam nói chung và Yên Bái nói riêng, lễ Phật đản luôn được tổ chức trang trọng. Ngoài việc tổ chức buổi lễ chính vào ngày rằm tháng 4 hoặc trước đó vài ngày, các nhà chùa còn tổ chức diễu hành, làm lễ cúng dàng chư Phật, thả đèn hoa đăng trên sông, thả chim bồ câu cầu hòa bình, bình an, tổ chức thuyết giảng về Phật pháp...
Hiện nay, nhiều người vẫn thường hay gọi ngày Phật đản là "mùa Phật đản” để hòa chung niềm vui cùng mọi người trên khắp thế giới mừng ngày Đức Phật ra đời. Đây cũng là dịp để khích lệ truyền thống văn hóa Phật giáo đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, đồng thời thể hiện rõ chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.
Vào ngày lễ Phật đản, phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng qua các hình thức như: dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng và thực hành ăn chay, thực hành bố thí; làm từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu thế trong xã hội; lau dọn, vệ sinh nhà cửa, trang trí bàn thờ Phật…
Chị Nguyễn Thị Lan Anh – phật tử Chùa Tùng Lâm, thành phố Yên Bái bày tỏ: "Năm nào vào ngày lễ Phật đản, tôi cũng tới chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân giúp cho tâm hồn được thanh tịnh, an lạc”.
Thực tế trong thời gian qua, các tăng, ni, phật tử và bà con mộ đạo trên địa bàn tỉnh đã luôn thống nhất ý chí và hành động, thực hiện tốt phương châm "Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tôn chỉ mục đích của đạo Phật là nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”.
Do đó, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Quốc Hưng – Trưởng ban Tôn giáo tỉnh nhận định: "Giáo lý Phật giáo đã thấm nhuần trong đời sống của đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh. Tôi tin tưởng rằng, với những kết quả đã đạt được, bà con phật tử trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần nhân văn, nhân ái, đem công sức, trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp lợi đạo, ích đời. Giáo hội Phật giáo tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục không ngừng lớn mạnh, thực hiện tốt mục tiêu tốt đời – đẹp đạo”.
Hồng Oanh