Thiếu sân chơi cho trẻ em dịp hè, câu chuyện không mới, nhưng lại chẳng bao giờ cũ. Theo kế hoạch trong hè 2019, Tỉnh đoàn sẽ tổ chức một số hoạt động như: Hội thi Chỉ huy Đội giỏi, "Học kỳ quân đội”...
Hay với phương châm "Hè vui an toàn - Học ngàn điều hay”, Nhà Thiếu nhi tỉnh mở các lớp năng khiếu với các bộ môn như: mỹ thuật, võ, múa, đàn organ… với gần 500 em có độ tuổi từ 5 - 15 tuổi theo học. Tuy nhiên, bấy nhiêu hoạt động chưa đủ để giải tỏa "cơn khát” sân chơi cho trẻ em trên địa bàn, bởi hàng năm toàn tỉnh có khoảng 300.000 học sinh, thanh thiếu niên, nhi đồng có nhu cầu vui chơi trong dịp nghỉ hè.
Ngoài ra, có những sân chơi như: "Học kỳ quân đội”, các lớp học năng khiếu, chỉ dành cho các em gia đình có điều kiện và ở trung tâm thành phố. Để tham gia một khóa "Học kỳ quân đội” có học phí gần 2,5 triệu đồng; các lớp học năng khiếu tại Nhà Thiếu nhi tỉnh cũng có học phí từ vài trăm nghìn cho đến hơn 1 triệu đồng tùy môn học. Do đó, với trẻ em nghèo, trẻ em ở vùng nông thôn thì việc tiếp cận các hoạt động trên còn là chuyện xa vời.
Chị Nguyễn Thị Phương, ở xã Văn Phú, thành phố Yên Bái cho biết: "Vẫn biết vui chơi giải trí là nhu cầu văn hóa không thể thiếu đối với trẻ nhỏ, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè. Các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh sẽ giúp cho trẻ phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức và thể chất. Song vợ chồng tôi đều làm nông nghiệp quanh năm làm lụng vất vả với mấy sào ruộng, chăn nuôi tích cóp cũng chỉ đủ cho các con đi học. Nghỉ hè, các con phụ giúp bố mẹ việc nhà và ít khi được đi chơi, tham gia các hoạt động vì gia đình còn khó khăn”.
Những năm gần đây, các ngành, đoàn thể, đặc biệt, Đoàn Thanh niên cũng đã quan tâm tới việc tổ chức các hoạt động hè cho trẻ em. Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động này không được thực hiện thường xuyên mà chỉ tập trung vào dịp Quốc tế Thiếu nhi, rằm Trung thu và nhìn chung các hoạt động còn khá đơn điệu về nội dung nên cũng chưa thu hút đông đảo trẻ em tham gia…
Riêng ở các huyện, thị xã thì chưa có nhà thiếu nhi phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí của trẻ. Sự hạn hẹp về nguồn kinh phí là lý do mà các địa phương trong tỉnh rơi vào tình trạng không có địa điểm vui chơi cho trẻ em nhiều năm nay. Bởi vậy, vào mỗi buổi chiều, vỉa hè, lòng lề đường đôi khi biến thành sân chơi cầu lông, đá bóng của trẻ hay sông suối là bể bơi mà không biết nguy hiểm tai nạn thương tích rình rập.
Thiếu các dịch vụ giải trí lành mạnh, không gian vui chơi cho trẻ em đã tạo điều kiện cho các quán Internet lúc nào cũng trong tình trạng đông khách. Không ít em đã sa đà vào các trò chơi mang tính kích động, bạo lực khiến các em có suy nghĩ tiêu cực, những hành động lệch lạc, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 5 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 50 trường hợp trẻ tai nạn thương tích, làm tử vong 3 trẻ đều do đuối nước.
Thiếu sân chơi cho trẻ em trong dịp hè là thực trạng đã và đang tồn tại trên địa bàn tỉnh. Để giải bài toán sân chơi cho trẻ em trong dịp hè, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần sớm có kế hoạch trong việc duy tu, tôn tạo, xây dựng mới các điểm vui chơi an toàn, thân thiện đối với trẻ. Các bậc phụ huynh cần làm tốt công tác quản lý con em trong dịp hè, tránh để trẻ sa đà vào các trò chơi vô bổ, thiếu lành mạnh; đồng thời, hết sức đề phòng những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Đoàn Thanh niên cần thể hiện rõ vai trò của mình trong việc tạo ra những hoạt động hè sôi nổi, hấp dẫn, đa dạng hóa hình thức tổ chức để thu hút được đông đảo trẻ em tham gia. Tạo dựng những sân chơi bổ ích, an toàn, lành mạnh trong dịp hè là để mọi trẻ em đều có cơ hội được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục toàn diện, có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Thu Hiền