Thời điểm đó, phong trào cách mạng của ta phát triển khá mạnh ở chiến khu Vần, nhanh chóng lan rộng đến các vùng hữu ngạn và tả ngạn sông Hồng. Trước thời cơ thuận lợi, Việt Minh đã gây dựng cơ sở cách mạng ở Nam Cường.
Đồng chí Phạm Văn Tuyên là cán bộ Việt Minh trực tiếp về Nam Cường và gia đình bà Phạm Thị Dần trở thành điểm tuyên truyền và liên lạc. Đồng chí Ngô Triệu Huy xây dựng lực lượng thanh niên địa phương. Ngày 16/8/1945, tổ chức thanh niên ở Nam Cường chính thức được thành lập lấy tên là "Đội Thanh niên cách mạng” với nhiều thanh niên tích cực như Ngô Văn Chí, Ngô Văn Hộ, Đoàn Xuân Tích, Phạm Văn Thức, Bùi Viết Phòng…
Nhiệm vụ chính của Đội là tuyên tuyền, vận động nhân dân theo Việt Minh, ủng hộ cách mạng. Lực lượng do thanh niên làm nòng cốt đã dựa vào dân để bảo vệ an toàn, làm thất bại nhiều mưu đồ đen tối của bọn Quốc dân đảng.
Tháng 2/1948, thực hiện "Tiêu thổ kháng chiến”, "Vườn không nhà trống”, để phòng địch vào căn cứ của ta, xã đã huy động lực lượng cùng bộ đội chủ lực tham gia phá nhà ga, đắp các ụ đất trên các tuyến quốc lộ, đường sắt, huy động ngày công khai thác trên 6.000 cây tre, nứa cắm chông trên cánh đồng, tràn bãi đề phòng địch nhảy dù.
Trải qua 9 năm kháng chiến (1945 -1954), nhân dân Nam Cường đã đóng góp cho cách mạng 18 tấn thóc và hàng chục ngàn ngày công mở đường, tiếp viện cho chiến trường, tạo mọi điều kiện an toàn cho bộ đội chủ lực tập kết vượt phà Âu Lâu đi giải phóng Điện Biên Phủ…
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, khi chúng tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, xã đã vận động nhân dân đào hầm trú ẩn, sơ tán dân đến các cơ quan, trường học, nơi an toàn. Các tổ chức đoàn thể sẵn sàng chiến đấu, tổ chức phòng không canh gác, báo động khi có máy bay địch. Trung đội dân quân xã làm nhiệm vụ cơ động cấp cứu, tải thương.
Thực hiện khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, người dân Nam Cường vừa tích cực tham gia các nhiệm vụ sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu. Thời điểm này, có ngày đế quốc Mỹ huy động tới 46 lượt máy bay ném bom trên địa bàn Yên Bái, gây nhiều tổn thất về người và tài sản của nhân dân. Hệ thống đường giao thông bị bom đạn phá hủy, xã đã huy động hàng ngàn ngày công đào đắp, phá bom nổ chậm, san lấp hố bom… với hàng ngàn m3 đất đá các loại.
Từ năm 1965 -1972, lực lượng dân quân xã thường xuyên duy trì từ 100 - 130 người, được tổ chức thành các đơn vị chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhân dân trong xã đã đóng góp trên 3.000 ngày công, 2.600 lá cọ, 1.200 cây tre, nứa… làm lán trại cho bộ đội ngụy trang trận địa pháo; cùng với bộ đội công binh thu phá 490 quả bom các loại. Các tiểu đội dân quân số 2, 3, 4 đã đạt thành tích xuất sắc trong phục vụ chiến đấu với những tấm gương tiêu biểu như các đồng chí: Luận, Tước, Mận…
Từ năm 1966 - 1973, Nam Cường có 91 thanh niên nhập ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Nam Cường có 12 liệt sỹ chống Pháp, 25 liệt sỹ chống Mỹ và 4 liệt sỹ bảo vệ biên giới phía Bắc.
Hiện nay, phường có 1 cán bộ tiền khởi nghĩa, 10 thương binh, 2 bệnh binh, 7 người bị nhiễm chất độc hóa học, 10 gia đình thân nhân liệt sỹ, 9 người có công đang được hưởng trợ cấp khác, 21 gia đình thờ cúng liệt sỹ…
Nhiều người con của Nam Cường được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công, Huân chương Giải phóng, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, Huy chương chống Pháp, chống Mỹ; nhiều tập thể và cá nhân được tặng bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Để tri ân với những gia đình có công với cách mạng, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân phường Nam Cường luôn đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt các chính sách thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, chính sách hậu phương quân đội.
Hàng năm, phường vận động nhân dân tham gia đóng góp Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa” bằng tiền mặt trị giá gần 20 triệu đồng. Số tiền trên, cùng với đóng góp của nhân dân, phường đã tu sửa, nâng cấp nhà ở cho các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ. Các tổ chức đoàn thể còn phối hợp với các phòng chức năng của thành phố tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho con em thương bệnh binh, gia đình chính sách.
Hiện nay, 100% gia đình chính sách của phường có nhà ở kiên cố và bán kiên cố. Ông Đỗ Đình Quý - Chủ tịch UBND phường cho biết: "Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, hàng năm, vào dịp tết Nguyên đán, ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, phường đều thành lập các đoàn đi thăm, tặng quà các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách để bày tỏ lòng biết ơn và tri ân đối với những người đã cống hiến tuổi trẻ, hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Đây là chỗ dựa tinh thần, nguồn động viên thiết thực để địa phương hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần để Nam Cường tiếp tục phát triển”.
Thái Hưng