Ở tuổi ngoài 60 với 40 năm tuổi Đảng, bệnh binh 3/4 Vũ Xuân Trường vẫn còn nhớ như in những ngày tháng chiến đấu tại chiến trường Campuchia, trong một trận đấu ác liệt, ông đã bị suy giảm 61% sức khỏe. Năm 1990, ông xuất ngũ về với gia đình ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Về vùng quê chiêm trũng, cuộc sống gặp không ít khó khăn, năm 1995 ông đã tạm biệt vợ, con để lên Yên Bái làm thuê.
Với phẩm chất của người lính Cụ Hồ không cam chịu đói nghèo, chàng thanh niên Vũ Xuân Trường đã tích cóp được ít vốn liếng để mua một ki ốt ở chợ Yên Bái rồi năm 1998 đón vợ, con lên định cư tại Yên Bái. Trên quê hương thứ hai, ông tích cực tham gia công tác Đảng, đoàn thể. Đồng thời, nuôi dạy 4 con ăn học, nay đều đã tốt nghiệp đại học.
Những năm gần đây, khi việc kinh doanh buôn bán ở chợ Yên Bái không còn sôi động như trước, ông đã trăn trở tìm hướng làm ăn mới.
Qua tìm hiểu, năm 2014 ông đã quyết định mở cơ sở sản xuất ống nhựa mang tên Trường Phương, chuyên sản xuất ống nhựa phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Thiếu vốn, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng rồi thuê mặt bằng nhà xưởng trên 1.000m2 ở tổ 6, phường Hợp Minh, đầu tư hơn 4 tỷ đồng dây chuyền sản xuất ống nhựa. Với nguyên liệu đầu vào ổn định, mỗi năm cơ sở của ông sản xuất ra 500 tấn sản phẩm, tiêu thụ khắp 7 tỉnh miền núi phía Bắc, doanh thu đạt trên 12 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu nhập hơn 500 triệu đồng; đóng góp đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách địa phương.
Không chỉ làm kinh tế giỏi ông còn một lòng hướng về những người đồng đội từng cùng vào sinh ra tử nên tích cực cùng anh em trong Chi hội và Hội Thương binh thành phố giúp đỡ các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn; tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo…
Thương binh Hoàng Thắng nhập ngũ năm 1969 tham gia chiến trường miền Nam rồi nước bạn Lào, Campuchia. Trong một trận đánh ở Gia Lai - Kon Tum, năm 1969 ông bị thương vào cổ và khi tham gia chiến đấu ở nước bạn Lào ông lại bị thương vào đầu.
Năm 1976 ông chuyển ngành về phục vụ trong ngành giáo dục Yên Bái. Với nghị lực của người lính, trở về địa phương ông đã tiếp tục học tập nâng cao trình độ từ trung cấp lên Đại học Tài chính - Kế toán rồi Đại học Luật. Năm 2008, sau khi về nghỉ chế độ ông lại tham gia làm kế toán rồi quản lý một công ty tư nhân và theo học công chứng viên.
Năm 2013, ông vào làm việc tại Văn phòng Công chứng Xuân Quyền, đến năm 2016 ông tiếp quản toàn bộ Văn phòng và đổi tên là Văn phòng Công chứng Hoàng Thắng có trụ sở tại Số 70, đường Nguyễn Thái Học, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái.
Ngay khi tiếp quản Văn phòng, ông đã thành lập Chi hội Luật gia Văn phòng công chứng do ông làm chi hội trưởng. Là thương binh hạng 4/4, thân thể đầy thương tích, nhất là vết thương ở sọ não những lúc trái gió, trở trời lại đau nhức, nhưng ông đã không lùi bước mà luôn nỗ lực vươn lên thực hiện lời dạy của Bác "tàn nhưng không phế”.
Ông xác định phải phát huy chuyên môn của mình phục vụ nhân dân, nhất là trong lĩnh vực pháp luật. Bên cạnh hoạt động theo Luật, Văn phòng của ông còn tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí hay các trường hợp như thương binh, gia đình chính sách, hộ nghèo khi đến giao dịch đều được giảm 20% phí dịch vụ.
Nhờ thực hiện nghiêm tôn chỉ pháp luật và sự phục vụ tận tình, chu đáo, Văn phòng Công chứng Hoàng Thắng đã trở thành địa chỉ giao dịch, tư vấn pháp luật tin cậy của nhân dân. Nay đã gần 70 tuổi nhưng thương binh Hoàng Thắng vẫn tham gia cấp ủy Chi bộ tổ dân phố, là Trưởng ban Pháp chế HĐND phường Hồng Hà, thành viên Ủy ban MTTQ thành phố.
Được biết, Hội Thương binh thành phố đã thu hút được 58 hội viên tham gia sinh hoạt ở 5 chi hội cơ sở. Bệnh binh Vũ Xuân Trường và thương binh Hoàng Thắng chỉ là hai trong số các thành viên của Hội Thương binh thành phố đã vượt qua khó khăn, luôn phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện tốt lời dạy của Bác "thương binh tàn nhưng không phế" vươn lên trên trận tuyến mới thoát nghèo, làm giàu chính đáng góp phần xây dựng quê hương.
Minh Chín - Thanh Nghị (Trung tâm TT&VH thành phố Yên Bái)