Giảm thiểu chất thải nhựa
Cụ thể, tại Chỉ thị số 08 (ngày 31/7/2019), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, chất thải nhựa đã và đang hàng ngày tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe của con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường từ chất thải nhựa.
Trước đó, vào ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư kêu gọi cả nước hành động để giải quyết vấn đề chất thải nhựa. Trong thư, Thủ tướng đã nêu rõ: Hiện nay, rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu. Mỗi năm, lượng rác nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất; trong đó, có tới 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương. Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khoẻ con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Tại Việt Nam, lượng rác thải nhựa đang ngày một gia tăng. Nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ trở nên vô cùng nghiêm trọng. Trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hoá chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; chất thải từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất,…
Đáng chú ý, những vật liệu nhựa dùng trong các hoạt động của cơ sở y tế có thể thay thế bằng các chất liệu an toàn, than thiện hơn với môi trường nếu có sự quyết tâm, chung tay của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế cũng như người dân.
Tăng cường kiểm soát, quản lý
Hiện trên địa bàn TP. Hà Nội có 3.676 cơ sở y tế. Trong năm 2018, bình quân chất thải y tế phát sinh trên địa bàn thành phố là hơn 27,5 tấn/ngày, trong đó, chất thải y tế nguy hại là khoảng 8,4 tấn/ngày (chiếm khoảng 30%), còn lại là chất thải rắn thông thường. Dự báo đến năm 2020, khối lượng chất thải của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố phát sinh trung bình khoảng 90 tấn/ngày và đến năm 2030 sẽ vào khoảng 150 tấn/ngày.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ (PGS.TS) Hoàng Đức Hạnh- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, số lượng và quy mô các cơ sở y tế đang gia tăng nhanh chóng, kéo theo lượng chất thải y tế cũng ngày càng lớn, nếu không được xử lý đúng cách sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người cũng như hệ sinh thái. Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tại một số nơi, hệ thống lò đốt rác thải và kiểm soát khí thải hoạt động không hiệu quả,hệ thống xử lý nước thải đã dần xuống cấp.
Để tiến tới mục tiêu 100% chất thải y tế nguy hại (rắn, lỏng) tại các cơ sở y tế tại TP Hà Nội được thu gom, xử lý đạt chuẩn môi trường vào năm 2025, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh các cơ sở y tế cần phân công rõ trách nhiệm của lãnh đạo, trưởng các khoa, phòng và cá nhân trong công tác quản lý chất thải y tế, đồng thời bố trí đủ nguồn lực để thu gom và xử lý chất thải theo quy định.
Để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn chất thải nhựa nói riêng và chất thải y tế nói chung tấn công môi trường, đe dọa đến sức khoẻ con người, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa trong các hoạt động. Điển hình như tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống, sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ gói, chứa, đựng thuốc, hoá chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định và các hoạt động chuyên môn y tế nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa.
Bộ Y tế yêu cầu toàn ngành y tế hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị… thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.
(Theo Báo Đại đoàn kết)