Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết tối và đêm qua (2.8) bão số 3 đã đi vào khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Ninh và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tại trạm Móng Cái (Quảng Ninh) đã đo được gió mạnh cấp 9, ven biển Quảng Ninh -Hải Phòng đã có gió giật cấp 6-8.
Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to, một số nơi mưa rất to như: Móng Cái 209mm, Quảng Hà (Quảng Ninh) 143mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 165mm,…
Hồi 4h ngày 3.8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Với hoàn lưu gây mưa diện rộng, mưa dồn dập trong một khoảng thời gian ngắn bão số 3 Wipha đã gây ra thiệt hại khá lớn kể cả những địa phương không nằm trong vùng tâm bão.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, ngày 31.7 mưa lớn gây sạt lở đất làm 1 người chết tại thôn Sài Khảo, xã Mường lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa.
Sau đó, ngày 1.8 lốc kèm theo mưa lớn đã gây thiệt hại tại hai huyện Quan Hóa và Quan Sơn làm 34 nhà bán kiên cố bị thiệt hại (18 nhà ở huyện Quan Hóa, 16 nhà ở huyện Quan Sơn); 5,3 ha diện tích lưồng, 1 điểm trường, bị thiệt hại tại huyện Quan Hóa.
Ngoài ra, tại tỉnh Lâm Đồng, do mưa lớn kèm theo gió, lốc xoáy mạnh làm thiệt hại: 132 căn nhà; 15 ha lúa bị ngã đổ; 27 ha cây cao su, điều và cây công nghiệp bị gãy.
Tại tỉnh Tây Ninh, mưa lớn kèm giông lốc cũng làm 1 người bị thương, 1 căn nhà bị sập và 12 căn nhà bị tốc mái.
Hàng loạt vụ sạt lở đã xảy ra ở Cà Mau sau mưa lớn làm hư hại nhiều nhà cửa.
Triển khai công tác cứu hộ cứu nạn trong thời gian tới, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị, hoàn lưu áp thấp nhiệt đới có thể gây mưa lớn và còn diễn biến phức tạp, các Bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc nội dung Công điện số 09/CĐ-TWPCTT ngày 02/8/2019 của Ban Chỉ đạo.
Trước hết, tập trung tăng cường lực lượng trực ban phòng chống bão, lũ; chủ động, sẵn sàng tổ chức các đoàn công tác xuống địa bàn để chỉ đạo ứng phó với mưa, lũ.
Đối với tuyến biển, cần theo dõi diễn biến áp thấp nhiệt đới để quyết định bỏ lệnh cấm biển; khôi phục đời sống, sản xuất của nhân dân. Kiểm tra các công trình ven biển, phát hiện và khắc phục kịp thời các hư hỏng do bão gây ra.
Đối với đất liền, cần chủ động vận hành hồ chứa để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.
Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; nhất là các công trình đang thi công; triển khai phương án chống ngập úng tại đô thị.
Đồng thời, rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Sẵn sàng phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.
Ngoài ra, tổ chức cắm biển cảnh báo; tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt.
(Theo LĐO)