Đêm 2/8, bão số 3 đổ bộ vào một số tỉnh ven biển Bắc Bộ và sáng nay (3/8), bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gây mưa to đến rất to trên diện rộng.
Tại Sơn La: huyện Mộc Châu đã xảy ra mưa to trên diện rộng, lượng mưa lớn liên tục làm ngập úng cục bộ tại một số tuyến đường và khu sản xuất của nhân dân, nhất là tại thị trấn Nông trường Mộc Châu.
Tại ngã ba đường mới thuộc tiểu khu 3, thị trấn Mộc Châu, nước lớn tràn qua mặt Quốc lộ 6. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an huyện Mộc Châu đã túc trực phân luồng giao thông, hướng dẫn cho người dân và phương tiện qua lại an toàn.
Mưa lũ đã gây ngập tuyến đường khu vực Khách sạn Mường Thanh, ngã 3 Quốc lộ 43 rẽ đi xã Tân Lập và khu vực ngã tư Trường Giang, tiểu khu Bó Bun... Tại những điểm ngập úng, ngập sâu, chính quyền địa phương đã căng rào chắn và cắm biển báo cấm các phương tiện qua lại.
Các lực lượng chức năng cũng cắt cử người túc trực thường xuyên tại các khu vực úng ngập để cảnh báo nguy hiểm cho người dân và các phương tiện.
Hiện chính quyền huyện Mộc Châu đang chỉ đạo các xã, thị trấn bám sát địa bàn, theo dõi sát diễn biến của mưa lũ để chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Tính đến 11 giờ ngày 3/8, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn tiếp tục có mưa và mưa to.
Tại Hải Phòng: Sau hai ngày có mưa, chiều tối 2/8 trời tạnh; tuy nhiên đến 22h nhiều khu vực bắt đầu mưa trở lại và gió nhẹ. Sáng nay (3/8) ở trung tâm thành phố mưa to khiến nhiều tuyến phố bị ngập.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT thành phố Hải Phòng, do chịu ảnh hưởng bão số 3, sáng 3/8, trên địa bàn Thành phố có mưa to kèm gió mạnh. Bão không gây thiệt hại về người, nhưng khiến 24 cây xanh, 1 cột điện bị gãy đổ, 2 biển quảng cáo cỡ lớn bị hư hỏng.
Tại Điện Biên: Mưa lớn trong đêm 2 rạng sáng 3/8 đã khiến TP Điện Biên Phủ bị ngập nặng, có nơi nước ngập tới 70-80 cm gây ách tắc giao thông.
Nhiều địa phương ảnh hưởng nặng do mưa sau bão số 3
Đại lộ Võ Nguyên Giáp có đoạn ngập sâu từ 0,5 đến 0,7m.
Đại lộ Võ Nguyên Giáp từ ngã ba Đường Mới đến chợ Trung tâm 1 ngập sâu hơn 0,5m. Đoạn chợ Trung tâm 3, khu vực Sân vận động tỉnh ngập từ 0,5 đến 0,6m...
Nhiều phương tiện bị ngập nước, các gia đình hai bên đường bị nước tràn vào trong nhà. Theo người dân cho biết, đây là một trong những trận mưa lớn, dẫn đến tình trạng ngập kỷ lục ở Điện Biên Phủ từ trước đến nay.
Tại Hải Dương: Do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gần sáng 3/8, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có gió cấp 6, cấp 7, giật cấp 8 kèm theo mưa to đến rất to.
Ở khu vực sản xuất nông nghiệp, do làm tốt việc tháo gạn nước đệm nên đến sáng 3/8, toàn tỉnh chưa có diện tích lúa, rau màu nào bị ngập úng. Công tác khắc phục hậu quả mưa bão đang được triển khai khẩn trương, nhất là ở địa bàn TP. Hải Dương.
Tại Hà Nội: Chỉ trong sáng nay, nhiều điểm ở Hà Nội đã có lượng mưa rất lớn và đang tiếp tục mưa như Gia Thụy (Long Biên) 71,4mm; Hai Bà Trưng 65,5mm; Hoàng Mai 69,6mm; Hoàn Kiếm 58,9mm. Do mưa lớn kèm gió giật, nhiều tuyến phố nội thành bị ngập nặng, cây xanh đổ trên đường phố Thủ đô.
Theo dõi chặt áp thấp nhiệt đới, khắc phục kịp thời hậu quả bão số 3
Sáng 3/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (DBKTTV) Quốc gia, từ ngày 3-4/8, tại Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-300 mm/ đợt. Riêng khu vực Đông Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hoá từ 200-400 mm/đợt. Thủ đô Hà Nội ngày và đêm 3/8 sẽ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm.
Trước diễn biến trên, Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương cần chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lũ, phù hợp với tình hình thực tế đồng thời cử các đoàn chỉ đạo, kiểm tra tình hình mưa lũ, úng ngập và sẵn sàng các biện pháp để xử lý kịp thời khi có các tình huống xảy ra.
Bên cạnh đó, các địa phương ven biển theo dõi diễn biến áp thấp nhiệt đới để quyết định bỏ lệnh cấm biển; khôi phục đời sống, sản xuất của nhân dân; kiểm tra các công trình ven biển, phát hiện và khắc phục kịp thời các hư hỏng do bão gây ra.
Chủ động vận hành hồ chứa để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du; kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; nhất là các công trình đang thi công; triển khai phương án chống ngập úng tại đô thị; rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức cắm biển cảnh báo; tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp chặt chẽ với Trung tâm DBKTTV Quốc gia tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời, sát thực đến các bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.
Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về mưa lũ, ngập úng, các biện pháp ứng phó đặc biệt là vấn đề an toàn về người và tài sản trước mưa, lũ lớn.
(Theo Báo Công lý)