0Cụ thể, 2 người bị thiệt mạng (Anh Vàng A Lâu ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa và bà Trần Thị Tư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn); 13 người ở Thanh Hoá bị mất tích, trong đó huyện Mường Lát: 1 người, huyện Quan Sơn: 12 người; đã cứu được 5 người tại Quan Hóa bị lũ cuốn
Về nhà ở, tại tỉnh Thanh Hóa: 32 nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 50 nhà bị thiệt hại rất nặng; 176 nhà bị thiệt hại một phần; về giáo dục: 5 điểm trường.
Về chăn nuôi: 8 con gia súc bị chết, cuốn trôi (Thanh Hóa: 5, Sơn La: 3); 350 con gia cầm của Sơn La bị chết, cuốn trôi.
Về giao thông: 100m đường giao thông ở Bắc Kạn bị sạt lở, hư hỏng; 800m3 đất đá, bê tông ở Sơn La bị thiệt hại; 112 điểm giao thông bị ách tắc (Thanh Hóa: 110 điểm, Sơn La: 2 điểm). Hiện huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa còn 17 bản bị chia cắt trong đó có 7 bản bị cô lập hoàn toàn, 72 hộ dân phải sơ tán khẩn cấp.
Về sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau: Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam kết hợp triều cường làm nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây từ 0,3-0,4m, trong đó nghiêm trọng nhất là đoạn Ba Tĩnh – Kinh Mới dài 12,5km; đoạn kè Đá Bạc – Kinh Mới dài 356m bị sạt lở nghiêm trọng với 02 điểm dài 7m sạt lở vào đến phần mặt đường bê tông. UBND, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã huy động lực lượng xử lý, hộ đê bằng bao tải đất, đá và cừ tràm.
Cũng theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lũ các sông ở Thanh Hóa đang lên. Mực nước lúc 4h00 ngày 04/8 trên sông Mã tại Cẩm Thủy là 19,87m, trên báo động 2 là 0,87m; tại Lý Nhân 9,40m, dưới báo động 1 là 0,1m; tại Giàng 2,30m, dưới báo động 1 là 1,7m.
Dự báo, lũ trên sông Bưởi, sông Mã tiếp tục lên. Đến chiều tối 04/8, mực nước trên sông Mã tại Lý Nhân lên mức 11,5m, trên báo động 2 là 0,5m (với dự kiến thủy điện Trung Sơn xả với lưu lượng 3.700m3/s); tại Giàng lên mức 5,0m, trên báo động 1 là 0,5m. Trên sông Bưởi tại Kim Tân lên mức 10,5m, trên báo động 1 là 0,5m.
Về tình hình hồ chứa thuỷ điện, hiện ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có 14 hồ chứa thủy điện đang xả tràn, trong đó các hồ chứa trên lưu vực sông Mã xả với lưu lượng: Bá Thước 1: 4.965m3/s; Bá Thước 2: 2.500m3/s; Trung Sơn: 2.212m3/s. Lưu lượng về hồ Hòa Bình đã đạt đỉnh lớn nhất là 7.732m3/s (21h/03/8), đến 6h ngày 04/8 còn 5.507m3/s, mực nước hồ ở mức 95,92m/101m (mực nước cho phép).
Về hồ chứa thủy lợi, có 113 hồ hư hỏng và 55 hồ đang thi công có nguy cơ xảy ra mất an toàn, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn khi có lũ.
Để khắc phục hậu quả do thiên tai, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 937/CĐ-TTg ngày 03/8/2019 chỉ đạo tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả do bão số 3, trong đó Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới các gia đình có người thân bị chết, mất tích. Ngày 03/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức họp tiếp tục chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3 và mưa lớn. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức thường trực theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ; tổ chức đoàn công tác vào Quan Sơn, Thanh Hóa chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất.
Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 4, các lực lượng đóng quân trên địa bàn triển khai 807 cán bộ, chiến sỹ/27 phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là tại tỉnh Thanh Hoá.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo khắc phục sự cố trên các tuyến quốc lộ, hỗ trợ địa phương khắc phục các điểm bị sạt lở, ách tắc trên các trục giao thông chính. Bộ Công Thương chỉ đạo cung cấp 2.860 thùng mỳ tôm, 39 thùng lương khô, và nước uống đến các bản bị cô lập, chia cắt.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá đã huy động các lực lượng tìm kiếm người mất tích, cứu 05/17 người bị lũ cuốn trôi (còn mất tích 12 người); bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm; kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở, ngập sâu. Các địa phương tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, khu khai thác khoáng sản, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Những công việc cần triển khai tiếp theo, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đề nghị các Bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc nội dung Công điện số 937/CĐ-TTg ngày 03/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn mất tích; cung cấp lương thực, nước uống đến các khu vực bị cô lập, chia cắt. Tăng cường lực lượng trực ban phòng chống bão, lũ; chủ động, sẵn sàng tổ chức các đoàn công tác xuống địa bàn để chỉ đạo ứng phó với mưa, lũ.
Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; nhất là các công trình đang thi công; triển khai phương án chống ngập úng tại đô thị.
Rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Sẵn sàng phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.
Tổ chức cắm biển cảnh báo; tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố các tuyến đường giao thông bị sạt lở.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng khôi phục thông tin đến các khu vực đang bị chia cắt tại tỉnh Thanh Hóa.
(Theo dangcongsan.vn)