Chị Nguyễn Thị T ở huyện Trấn Yên vốn là một phụ nữ xinh đẹp, nhưng mặt lại bị tàn nhang. Qua người quen giới thiệu chị T đã mua cao trầu không bán trên mạng xã hội về bôi. Những ngày đầu bôi cao, da chị T trắng sáng lên trông thấy, thế nhưng sau một tháng thì cả gương mặt chị đỏ lựng, sắc tố da biến đổi loang lổ và trở nên sạm đen.
Không riêng chị Nguyễn Thị T, rất nhiều phụ nữ vô tình đã trở thành nạn nhân của các loại mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng. Song không chỉ mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng làm tổn hại đến sức khỏe cho người sử dụng mà ngay cả thuốc tân dược nếu không sử dụng đúng cách, đúng bệnh cũng gây nên những hậu quả khó lường.
Có mặt tại một số quầy thuốc trên đường Điện Biên, Đinh Tiên Hoàng, thành phố Yên Bái chỉ trong vài phút, chúng tôi được chứng kiến rất nhiều người vào mua thuốc mà chỉ cần nói tên thuốc hay kể ra một vài triệu chứng bệnh với người bán thuốc là ngay lập tức khách hàng được đáp ứng với đủ các loại thuốc nội, ngoại khác nhau mà không phải đưa đơn thuốc.
Hiện nay, việc tự ý mua thuốc không chỉ do thói quen mua bán sử dụng thuốc không cần kê đơn, ngại đi khám bệnh mà còn do sự thiếu hiểu biết về các nguy cơ mà thuốc có thể gây ra của đại bộ phận người dân.
Không chỉ dừng lại ở việc mua, bán thuốc không theo đơn, nhiều nhà thuốc vì chạy theo lợi nhuận đã bán cả những loại thuốc không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thuốc nhái, hết hạn sử dụng…
Điển hình như ngày 4/5/2019, Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm tỉnh đã lấy mẫu thuốc tại Nhà thuốc Gia Bình, số nhà 910, tổ 31A, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, trong quá trình kiểm tra phát hiện 2 mẫu thuốc nước ngoài không có số đăng ký, trên nhãn bao bì ngoài không thể hiện tên và địa chỉ cơ sở chịu trách nhiệm về sản phẩm tại Việt Nam; trên nhãn của các bao bì ngoài và bao bì trực tiếp tiếp xúc với thuốc không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt; tờ hướng dẫn sử dụng kèm theo toàn bộ là chữ nước ngoài.
Đồng thời, Trung tâm phát hiện mẫu CLOROCID Tw3 nghi ngờ thuốc giả, sản phẩm có hàm lượng rất thấp, độ đồng đều khối lượng viên không đạt và trùng với số lô 2118 tại Công văn số 6586/QLD-CL ngày 04/05/2019 của Cục Quản lý dược về việc xử lý thuốc viên nén Clorocid Tw3 250 giả.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình thuốc và mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc điệt các loại thuốc là dược liệu, mỹ phẩm... các ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và lấy mẫu có định hướng vào các sản phẩm có hoạt chất hay bị biến đổi hàm lượng và sản phẩm của các công ty có mẫu vi phạm về chất lượng để kiểm tra chất lượng, nhằm hạn chế tối đa lượng dược liệu và thuốc đông dược giả và các sản phẩm kém chất lượng lưu hành trên thị trường.
Bà Phạm Thị Hồng - Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm tỉnh cho biết: "6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, mỹ phẩm và lấy mẫu thuốc, mỹ phẩm để kiểm tra chất lượng tại 113 cơ sở trên địa bàn thành phố Yên Bái, huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Lục Yên và thị xã Nghĩa Lộ. Trung tâm đã kiểm nghiệm 507 mẫu, trong đó 469 mẫu thuốc, 38 mẫu mỹ phẩm. Sau khi kiểm tra phát hiện 26 mẫu thuốc, mỹ phẩm giả; không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không đạt tiêu chuẩn chất lượng và vi phạm các quy định về sản xuất và đăng ký thuốc”.
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh hiện có gần 500 cơ sở kinh doanh dược. Trong đó có 10 công ty, 70 nhà thuốc, 416 quầy thuốc và 1 hộ kinh doanh cá thể. Còn với mặt hàng mỹ phẩm thì được bày bán tràn lan ở khắp các chợ, các cửa hàng, cửa hiệu, bán online.
Trong khi số lượng các cơ sở kinh doanh mọc lên ngày càng nhiều, hàng thật, hàng giả lẫn lộn thì nhân lực của các cơ quan quản lý nhà nước còn quá mỏng, phụ thuộc chủ yếu vào lực lượng chính là quản lý thị trường, thanh tra Sở Y tế và Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm.
Bên cạnh đó, chế tài xử phạt cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khi phát hiện sai phạm thì mức xử phạt cũng chưa đủ tính răn đe...
Trước thực trạng trên, để siết chặt hoạt động kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm; chủ động rà soát, nắm bắt thông tin để kiểm tra, xử lý đối với các sản phẩm tân dược giả; tổ chức kiểm tra chuyên đề đối với nhóm, mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu…
Hy vọng với những biện pháp trên công tác quản lý dược phẩm, mỹ phẩm sớm đi vào nề nếp, góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hồng Duyên