Những ngày gần đây, liên tiếp xuất hiện thông tin có một số bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore hay còn gọi "vi khuẩn ăn thịt người”. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm hiếm gặp do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên với tỉ lệ tử vong rất cao khi mắc phải. Căn bệnh này được cho là đã bị "lãng quên" nhiều năm và gần đây xuất hiện trở lại gây hoang mang cho người dân.
Tại Yên Bái, từ đầu năm đến nay đã có 6 trường hợp bị mắc bệnh Whitmore. Trong đó, có 4 ca tử vong do đến bệnh viện muộn và 2 ca gần đây đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh cứu sống thành công.
Ca thứ nhất là bệnh nhân Nguyễn Văn Q, 36 tuổi, ở huyện Văn Yên đã được các bác sỹ chẩn đoán chính xác và điều trị thành công, ra viện cuối tháng 7/2019.
Ca thứ 2 là bệnh nhân Vi Văn L (49 tuổi), ở huyện Lục Yên nhập viện vào trung tuần tháng 9/2019 trong tình trạng sốt cao kèm theo run và đau bụng, các chỉ số sinh tồn giảm mạnh, nhưng chẩn đoán lâm sàng thì không phát hiện được cơ quan nào của bệnh nhân bị viêm nhiễm tương xứng.
Sau 2 lần tiến hành nuôi cấy định danh vi khuẩn đã phát hiện ra vi khuẩn Whitmore trong người bệnh nhân. Với việc điều trị tích cực theo phác đồ và dùng kháng sinh đặc hiệu liều cao cùng sự phối hợp của nhiều chuyên khoa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát, bệnh nhân tỉnh táo, hết sốt.
Cử nhân xét nghiệm Lê Tiến Hanh, Trưởng khoa Vi sinh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Các biểu hiện lâm sàng của bệnh Whitmore rất mơ hồ gồm sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan, lá lách, viêm phổi, chẩn đoán rất khó nên dễ bị chẩn đoán nhầm. Tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore từ khoảng 40-60%. Đáng chú ý, ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh Whitmore, việc điều trị cũng hết sức khó khăn. Bệnh nhân thường phải dùng kháng sinh tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 – 3 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, dần sức khỏe suy kiệt và vẫn tử vong.
Tuy nhiên, hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái với hệ thống trang thiết bị hiện đại, có khả năng xét nghiệm vi sinh, dần làm chủ được kỹ thuật xét nghiệm và từ đó đã phát hiện ra các ca bệnh nhanh chóng, kịp thời và đã bước đầu cứu sống bệnh nhân mắc phải căn bệnh nguy hiểm này”.
Được biết, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa tập trung từ tháng 7-11 hàng năm.
Trước những lo ngại và thắc mắc liệu vi khuẩn này có lây từ người sang người, thạc sỹ, Bác sỹ chuyên khoa II Nông Văn Hách – Trưởng khoa Nội AB, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là người đã chữa thành công cho bệnh nhân bị mắc bệnh Whitmore tại tỉnh thông tin: Whitmore là loại vi khuẩn âm, thường sống trong những môi trường ẩm ướt, có sức đề kháng rất tốt, chủ yếu xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hở, xây xước, từ khí bụi, hơi nước có vi khuẩn Whitmore. Hiện ghi nhận Whitmore không lây truyền từ người sang người. Whitmore hiện chưa có vaccine phòng bệnh, việc phòng ngừa hiện nay vẫn chủ yếu ở thói quen của người dân. Bởi vậy, người dân cần hạn chế tiếp xúc khi trầy, xước da. Khi bị thương cần rửa sạch, sát trùng vết thương.
Đồng thời, khi phát hiện thấy có những dấu hiệu như sốt cao, mệt mỏi, nổi mụn mủ bất thường, người bệnh cần nhanh chóng tới khám ở những bệnh viện uy tín, có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám và điều trị đúng cách, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải sau đó. Đặc biệt, những bệnh nhân đã từng nhiễm vi khuẩn Whitmore nên thường xuyên đi tái khám vì bệnh có khả năng tái phát cao, cần sự kiên trì trong quá trình điều trị.
Thanh Chi