Thực hiện Quyết định số 1956 của Chính phủ, huyện Văn Chấn đã thành lập ban chỉ đạo từ huyện đến các xã, thị trấn, phối hợp với các ngành thành viên và cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để mở các lớp dạy nghề, tuyên truyền, tư vấn các chính sách về công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm. Từ đó, giúp người lao động nắm bắt cơ hội tìm được việc làm vươn lên thoát nghèo.
Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng chủ động phối hợp với các cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh như: Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ, Trường Trung cấp Cộng đồng Hà Nội… mở các lớp đào tạo nghề cho lao động.
Qua khảo sát trên địa bàn huyện những năm gần đây cho thấy, mặc dù nguồn lao động rất dồi dào nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện chỉ chiếm trên 20%. Để công tác dạy nghề phù hợp với yêu cầu và nguyện vọng của người dân, huyện đã phê duyệt Đề án ĐTN giai đoạn 2010-2015 đào tạo 34 nghề và giai đoạn 2016-2020 là 47 nghề.
Trong đó, nghề phi nông nghiệp gồm: kỹ thuật xây dựng, may dân dụng, sửa chữa điện dân dụng, sửa chữa xe máy, thêu dệt thổ cẩm, chạm khắc đá…; nghề nông nghiệp gồm: chăn nuôi - thú y, trồng trọt, chế biến nông sản, nuôi cá nước ngọt, kỹ thuật trồng nấm, chăn nuôi lợn, sản xuất rau an toàn... Thời gian đào tạo 1 tháng đối với nghề nông nghiệp và 3 tháng đối với phi nông nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã ĐTN cho 7.885 người.
Trong đó, nghề nông nghiệp 5.909 người và nghề phi nông nghiệp 1.976 người với tổng kinh phí thực hiện trên 14,6 tỷ đồng (ngân sách Trung ương trên 10,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 3,8 tỷ đồng).
Qua kết quả khảo sát hàng năm, số lao động học nghề nông nghiệp có việc làm chiếm trên 95% và nghề phi nông nghiệp chiếm trên 80% với thu nhập trung bình từ 3 triệu đồng đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Để công tác dạy nghề và giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động có hiệu quả cao huyện chỉ đạo các đơn vị tổ chức dạy nghề ngay tại địa bàn người có nhu cầu học nghề như mở lớp dạy nghề trồng nấm, tại xã Sơn A, Phúc Sơn; chăn nuôi lợn, xã Tân Thịnh; nghề xây dựng tại xã Thượng Bằng La; chạm khắc đá, nuôi ong mật tại xã Sơn Thịnh; nghề mây, tre, song đan tại xã Thạch Lương…
Đồng chí Lê Ngọc Lâm - Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: "Nhằm nâng cao chất lượng ĐTN, hàng năm, Phòng đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện ĐTN và giải quyết việc làm ở các địa phương. Qua kiểm tra cho thấy, các thiết bị dạy nghề phi nông nghiệp được đầu tư nhưng ít đưa vào sử dụng nên nhiều thiết bị hỏng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Mặt khác, do trình độ nhận thức của các học viên không đồng đều nên biện pháp dạy nghề nông nghiệp chủ yếu vẫn "cầm tay chỉ việc”, nói đến đâu thực hành ngay đến đó. Nhiều học viên mong muốn sau khi học nghề tìm được việc làm hay có đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Công tác tuyển dụng học viên cũng gặp không ít khó khăn, một số địa phương nhiều năm không mở được lớp như các xã: Nậm Búng, Tú Lệ, Cát Thịnh…”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, Văn Chấn cũng gặp không ít khó khăn như: một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác ĐTN; số công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động sau khi học nghề trên địa bàn huyện còn hạn chế; một số xã vùng cao nhiều học viên không biết đọc, viết, nhận thức học nghề còn thấp… đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch mở lớp và tuyển sinh hàng năm. Văn Chấn phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ ĐTN cho LĐNT đạt 54%, vì thế huyện cần những giải pháp tích cực hơn nữa để công tác ĐTN và giải quyết việc làm thực sự chất lượng và góp phần hiệu quả trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Thạch Phong