Hiện nay, trên địa bàn huyện Trấn Yên có 3 đơn vị được UBND tỉnh Yên Bái cấp phép khai thác cát, sỏi trên lòng sông Hồng tại 9 điểm mỏ với tổng diện tích 30,9 ha, gồm: Công ty TNHH Mạnh Lâm Yên Bái được cấp phép năm 2017, gồm 2 điểm mỏ trên địa bàn xã Minh Tiến và xã Y Can với tổng diện tích 18,4 ha, thời hạn khai thác đến hết ngày 28/5/2030; Hợp tác xã (HTX) Khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng Hợp Nhất, được cấp phép năm 2015 gồm 5 điểm mỏ ở các xã: Việt Thành, Đào Thịnh, Báo Đáp, Y Can, Quy Mông với tổng diện tích 10,5 ha, thời hạn khai thác 18 năm; HTX Khai Minh được cấp phép từ năm 2016, gồm 2 điểm mỏ ở các xã Báo Đáp, Đào Thịnh với diện tích 2 ha, thời hạn khai thác đến hết 30/6/2036.
Mặc dù chỉ có 9 điểm mỏ được cấp quyền khai thác nhưng công tác quản lý khai thác khoáng sản cát, sỏi trên lòng sông Hồng luôn gặp nhiều khó khăn do địa hình kéo dài, giáp ranh với các địa phương khác; tình trạng tập kết cát trái phép còn diễn ra, nhất là về ban đêm, trong khi lực lượng, phương tiện của huyện chưa bảo đảm nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tuần tra, xử lý; một số đơn vị được cấp phép khai thác chưa tuân thủ các điều kiện về khai thác cát, sỏi…
Trước tình trạng đó, huyện Trấn Yên đã triển khai nhiều giải pháp để tăng cường công tác quản lý khoáng sản cát, sỏi trên lòng sông Hồng qua địa bàn.
Cụ thể, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, xã, thị trấn nơi có điểm mỏ khoáng sản chưa khai thác tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, môi trường đến các tổ chức và người dân; chủ động có kế hoạch tổ chức lực lượng ngăn chặn, giải tán hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý.
Huyện cũng xây dựng quy chế phối hợp với huyện Văn Chấn, huyện Văn Yên và thành phố Yên Bái trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác để quản lý, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, giữ gìn an ninh trật tự xã hội tại các khu vực giáp ranh của các bên. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, UBND huyện Trấn Yên đã ban hành 9 văn bản chỉ đạo công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý hoạt động khai thác khoáng sản.
Bên cạnh đó, huyện Trấn Yên tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, địa phương triển khai kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi trên lòng sông Hồng. Từ tháng 12/2018 đến nay, UBND huyện Trấn Yên đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện phối hợp với các xã, thị trấn kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 5 bến bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi trái phép trên địa bàn thôn Gò Bông, Tiền Phong, Linh Đức thuộc xã Minh Quân; 2 bến bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi trái phép trên địa bàn thôn Minh Phú, xã Minh Tiến… với tổng số 11 đối tượng vi phạm, xử phạt trên 430 triệu đồng.
Trước đó, năm 2016 và năm 2017, các ngành chức năng và UBND cấp xã đã kiểm tra xử lý 2 đối tượng với 4 điểm tập kết bến bãi cát, sỏi trái quy định.
Để quản lý chặt chẽ, đúng quy định đối với việc khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông Hồng trên địa bàn, thời gian tới, huyện Trấn Yên sẽ tiếp tục tổ chức quản lý chặt chẽ khoáng sản chưa khai thác; giám sát thường xuyên đối với hoạt động của các đơn vị thăm dò khoáng sản đã được UBND tỉnh cấp phép; tiếp tục xử lý dứt điểm các đối tượng, các địa điểm, bến bãi hoạt động khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép; đôn đốc các HTX hoàn thiện các thủ tục về đất đai, môi trường, giao thông đường thủy và bến thủy nội địa với các điểm mỏ và bến bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi.
Ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: "Cùng với những giải pháp đã, đang triển khai, huyện phối hợp với Công an tỉnh để bố trí lực lượng, phương tiện xử lý các đối tượng vi phạm, chấm dứt hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trái phép khu vực lòng sông Hồng địa phận giáp ranh giữa tỉnh Yên Bái và Phú Thọ; đồng thời đề nghị UBND tỉnh Yên Bái thu hồi giấy phép đã cấp đối với Công ty TNHH Mạnh Lâm Yên Bái vì không chấp hành các yêu cầu giải quyết thủ tục đất đai, môi trường, giao thông đường thủy về bến thủy nội địa với các điểm mỏ, bãi tập kết”.
Hà Tuấn