Cô giáo Hoàng Thị Dụ - Hiệu trưởng Trường Mầm non Khánh Thiện cho biết: "Nhà trường có 10 lớp với 292 cháu được tổ chức học bán trú. Những năm qua, nhà trường luôn chú trọng chất lượng bữa ăn của trẻ, đảm bảo chế độ dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trường thường xuyên tính định lượng dinh dưỡng khẩu phần ăn, thiết lập thực đơn phong phú giúp trẻ ăn ngon, ăn hết suất”.
Để nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ, nhà trường đã hợp đồng với người cung cấp thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cam kết đảm bảo thực phẩm an toàn tổ chức giao nhận và công khai tài chính hàng ngày theo đúng quy định. Bếp ăn an toàn được xây dựng theo quy trình vận hành một chiều, có kho thực phẩm, tủ lưu mẫu thức ăn hàng ngày; duy trì tính khẩu phần ăn cho trẻ theo thực đơn được ghi trên bảng với tiền ăn 10.000 đồng/cháu/ngày.
Nhà trường phối hợp với Trạm Y tế xã tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ 2 lần/năm; triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho trẻ cũng như tuyên truyền để phụ huynh học sinh biết cách phòng tránh dịch bệnh cho con em mình.
Cùng với đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, nhà trường quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó xác định nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là giải pháp quan trọng hàng đầu. Hiện nay, nhà trường có 26 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó trên 80% giáo viên đạt trình độ chuẩn. Bên cạnh việc rà soát trình độ của giáo viên, lập kế hoạch đào tạo nâng chuẩn, nhà trường thường xuyên tổ chức thăm lớp dự giờ, kiểm tra đột xuất đánh giá thực chất, chất lượng đội ngũ, kịp thời bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn. Tổ chức thực hiện hiệu quả việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”…
Năm học 2018-2019 vừa qua, nhà trường đã có nhiều đổi mới với việc áp dụng công nghệ thông tin cho giáo viên giảng dạy như soạn bài giảng điện tử; tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ để bé nhận biết nhanh các chữ cái... ; đồ chơi cho trẻ trong lớp học là các con vật, đồ vật an toàn để trẻ vừa học vừa chơi cũng như đẩy mạnh Phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng môi trường an toàn xanh, sạch, đẹp, thân thiện, phù hợp với trẻ.
Nhà trường cũng duy trì thường xuyên các hoạt động ngoại khóa theo thời gian biểu cho trẻ như tập thể dục buổi sáng, múa hát giữa giờ, nhờ vậy mà 100% trẻ được chăm sóc phát triển toàn diện; tỷ lệ chuyên cần của trẻ đạt trên 90%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhà trường vẫn còn những khó khăn cần khắc phục như: có hạng mục cơ sở vật chất xây dựng lâu năm đã xuống cấp, diện tích chật hẹp; nguồn kinh phí để cải tạo, mua sắm thiết bị dạy học, đồ chơi cho trẻ còn hạn chế; nằm trên địa bàn miền núi, điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, mức thu nhập của nhân dân trong xã còn thấp phần nào ảnh hưởng đến công tác xã hội hóa giáo dục...
Năm học 2019-2020, nhà trường tập trung tham mưu với lãnh đạo các cấp, các tổ chức xã hội, đoàn thể hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị đáp ứng tiêu chí của trường chuẩn quốc gia nông thôn; làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn lực cho giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trong nhà trường...
Bùi Minh