Bà Nguyễn Thị Thao - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trấn Yên cho biết: "Nhằm thống nhất công tác quản lý, đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình năm học; đảm bảo mục tiêu, chuẩn kiến thức, kỹ năng, chương trình giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT và phát triển năng lực tự học của học sinh, căn cứ vào tình hình thực tế của các nhà trường, địa phương, Phòng GD&ĐT huyện đã ban hành kế hoạch hướng dẫn các trường học tổ chức dạy - học theo các hình thức: dạy học trực tuyến cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 9; hướng dẫn học sinh từ lớp 4 đến lớp 9 học trên truyền hình; giao bài ôn tập cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9”.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, quá trình triển khai các giải pháp duy trì nhiệm vụ giáo dục cũng như dạy học trực tuyến cho học sinh trên địa bàn huyện Trấn Yên còn gặp một số khó khăn nhất định như việc dạy học trực tuyến, do sử dụng phần mềm miễn phí nên đường truyền chưa đáp ứng khi có nhiều học sinh vào học; những học sinh dùng điện thoại thông minh để học thì bị hạn chế về khả năng nghe, nhìn trong quá trình học; việc học qua truyền hình, giáo viên và học sinh không có sự trao đổi, tương tác...
Trước thực trạng này, Phòng GD&ĐT huyện đã hướng dẫn các nhà trường dạy học trực tuyến theo ca để giảm áp lực đường truyền; sử dụng phần mềm Zoom đăng nhập bằng Email do Sở GD&ĐT cung cấp để không bị hạn chế thời gian dạy; thực hiện giao nhiệm vụ học tập và kết hợp nhận bài làm của học sinh 1 lần/ tuần…
Để sẵn sàng mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh đi học trở lại trong thời gian tới, cùng với hướng dẫn các nhà trường vệ sinh trường, lớp, làm đồ dùng dạy học, phun thuốc khử trùng, Phòng GD&ĐT huyện cũng đã có phương án cụ thể cho từng cấp học.
Hiện tại, học sinh khối lớp 9 của các trường THCS trên địa bàn huyện đều đã trở lại trường học từ ngày 23/4, đồng thời thực hiện nghiêm việc giãn cách học sinh trong lớp học, đeo khẩu trang bắt buộc, sát khuẩn, đo thân nhiệt…
Trong trường hợp, tất cả học sinh trở lại trường học dự kiến từ ngày 4/5/2020 (thời gian còn 10 tuần học và kiểm tra đánh giá), đối với giáo dục mầm non sẽ giảm chủ đề và thời gian thực hiện chủ đề, tập trung vào các lĩnh vực: giáo dục phát triển thể chất, giáo dục phát triển nhận thức, giáo dục phát triển ngôn ngữ (đối với vùng có trẻ em dân tộc thiểu số tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi); giảm một số mục tiêu, nội dung ở lĩnh vực giáo dục thẩm mỹ, giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội; tăng cường phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc dạy trẻ tại nhà.
Đối với giáo dục tiểu học, các lớp học 2 buổi/ ngày sẽ bố trí các buổi chiều để bù chương trình, các lớp không học 2 buổi/ ngày nếu nhà trường còn phòng học thì bố trí dạy bù vào các buổi chiều, nếu không có phòng sẽ bố trí dạy bù vào ngày thứ Bảy.
Đối với giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên đảm bảo kết thúc chương trình trước 15/7/2020, song học sinh không phải học bù, các kỳ thi vẫn tổ chức bình thường.
Trong trường hợp học sinh trở lại trường học từ ngày 15/5/2020 (thời gian còn 8 tuần học và kiểm tra đánh giá), đối với giáo dục mầm non sẽ thực hiện 2 chủ đề cuối năm học, giảm thời gian thực hiện chủ đề và tập trung chính vào lĩnh vực giáo dục phát triển vận động, giáo dục phát triển nhận thức, giáo dục phát triển ngôn ngữ.
Riêng đối với trẻ em 5 tuổi, để chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho trẻ vào lớp 1, đối với vùng dân tộc thiểu số sẽ tăng cường tiếng Việt.
Đối với giáo dục tiểu học, học sinh phải học bù 12 buổi nên các lớp học 2 buổi/ngày sẽ bố trí các buổi chiều để bù chương trình; các lớp không học 2 buổi/ngày nếu nhà trường còn phòng học thì bố trí dạy bù vào các buổi chiều, nếu không có phòng học sẽ bố trí dạy bù 8 ngày thứ Bảy, 4 ngày Chủ nhật.
Đối với giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên sẽ bố trí học bù vào các buổi chiều và ngày Chủ nhật hàng tuần; các kỳ thi vẫn được tổ chức và kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020.
Trong trường hợp học sinh trở lại trường học từ ngày 1/6/2020 (thời gian còn 6 tuần học và kiểm tra đánh giá), đối với giáo dục mầm non sẽ chỉ thực hiện 1 chủ đề cuối năm học; tăng cường tiếng Việt cho trẻ em 5 tuổi vùng dân tộc thiểu số.
Đối với giáo dục tiểu học, các lớp học 2 buổi/ ngày bố trí học bù vào các ngày thứ Bảy; các lớp không học 2 buổi/ngày nếu nhà trường còn phòng học thì bố trí dạy bù vào các buổi chiều và thứ Bảy, nếu không có phòng sẽ bố trí dạy bù vào tất cả các ngày thứ Bảy, Chủ nhật và kết thúc chương trình sau nhưng vẫn kiểm tra học kỳ theo đúng tiến độ chung (học đến đâu kiểm tra đến đó).
Đối với giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên, tổ chức cho học sinh học bù 4 tuần (tương đương 24 buổi học) dự kiến vào các buổi chiều và ngày Chủ nhật hàng tuần, đồng thời tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Hồng Oanh