Cháy xe trở thành mối quan tâm, lo lắng của rất nhiều người, đặc biệt là đã có cả những chiếc xe rất mới, chất lượng tốt, độ an toàn cao… bỗng dưng cháy ngùn ngụt trong khi đang lưu thông. Nhằm giúp bạn đọc có những thông tin liên quan đến nguyên nhân ô tô bốc cháy, chúng tôi đã tìm hiểu thông tin từ những người có kiến thức chuyên sâu như kỹ sư ô tô Nguyễn Thị Hoan – nguyên giảng viên Khoa Cơ khí ô tô, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái và anh Hoàng Thắng - thợ sửa xe giàu kinh nghiệm ở thị trấn Yên Bình.
Kỹ sư Nguyễn Thị Hoan liệt kê một loạt nguyên nhân dẫn đến cháy xe ô tô gồm: hệ thống ống thải được thiết kế lắp đặt nằm suốt theo chiều dài của xe, hay nói một cách khác đây chính là bộ chuyển đổi khí thải. Khi hoạt động quá tải, vượt xa chỉ số cho phép, bộ chuyển đổi khí thải quá nóng. Động cơ xe quá nóng do phải lưu thông trên đường dài với tốc độ cao cộng với va chạm nhẹ hoặc nhiên liệu (xăng) tràn ra khỏi khu vực an toàn, dẫn đến cháy.
Để khắc phục vấn đề này, người lái xe phải dừng lại để xe và người lái nghỉ ngơi. Còn cháy xe do bị chập điện là do hệ thống điện được thiết kế lắp đặt khắp xe, nên khi bị chập điện thì khả năng một vụ cháy lớn rất có thể sẽ xảy ra. Nhiệt độ tăng cao cũng là một nguyên nhân gây cháy nổ, nếu đậu xe lâu dưới trời nắng nóng gay gắt, nhiệt độ bên trong ô tô có thể tăng rất cao.
Theo kết quả từ một cuộc nghiên cứu, với nhiệt độ ngoài trời từ 40 - 500C, nhiệt độ bên trong cabin ô tô có thể lên đến 50 - 600C, thậm chí 700C. Do đó, nên hạn chế đậu xe lâu dưới trời nắng nóng, ngoài ra, bạn nên trang bị thêm các biện pháp bảo vệ, chống nóng cho ô tô như dán phim cách nhiệt hay trùm bạt chống nóng ô tô.
Anh Hoàng Thắng - chủ gara ô tô Hoàng Thắng ở thị trấn Yên Bình khẳng định: "Như chúng ta đã biết, chiếc xe được thiết kế và sản xuất bởi những kỹ sư và công nhân giỏi nghề, giàu kinh nghiệm; dây chuyền sản xuất lắp ráp rất hiện đại và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình… Vì thế, ở điều kiện thông thường, việc cháy gần như không thể xảy ra”.
Giải thích về nguyên nhân gây cháy xe, anh Hoàng Thắng cho rằng, nhiều chủ xe tự ý lắp đặt thêm một số thiết bị điện khác trên xe ô tô của mình như: đèn, quạt, ti vi, tủ lạnh mini, đầu đĩa, dàn karaoke… Việc tự ý thêm thắt không giống với thiết kế của nhà sản xuất, dẫn đến tình trạng hệ thống điện bị quá tải. Trong khi đó, các chủ xe lại sử dụng dây điện không chuyên dụng, những mối nối không kín, nên rất dễ gây ra cháy nổ.
Một trường hợp khác thường gặp đối với xe cũ, đã qua sử dụng. Theo thiết kế ban đầu, xe nào cũng có những tấm xốp, hay những tấm cách điện. Nhưng trong quá trình bảo dưỡng sửa chữa, chủ xe đã thay thế chúng bằng những vật liệu khác, không đảm bảo an toàn. Nguyên nhân khách quan khiến xe ô tô bị bốc cháy rất hay gặp ở nước ta, điều này xuất phát từ những túi nilon được vứt một cách bừa bãi ra đường; nếu xe vô tình chạy ngang, túi nilon bị cuốn vào gầm máy, khi gặp nhiệt độ cao rất dễ bốc cháy.
Đôi khi chỉ là sự tắc trách của người thợ cũng khiến ô tô bốc cháy, thí dụ như, trong quá trình lau chùi, sửa chữa, bảo dưỡng, người thợ vô ý để quên giẻ lau trong khoang máy cũng có thể gây ra cháy. Chị Thanh Ba – đồng nghiệp của chúng tôi kể lại, một lần đang cho xe leo đèo Sa Pa, thấy có mùi khét lẹt và có khói bốc lên từ khoang động cơ, dừng xe để kiểm tra thì phát hiện, chiều hôm trước có đến gara ô tô thay dầu máy, sau khi đổ dầu, công nhân của gara này đã quên không vặn nắp đậy, quá trình di chuyển dầu máy văng ra khắp khoang máy, gặp nhiệt độ cao nên sinh cháy, rất may phát hiện kịp thời nên không bị thiệt hại lớn. Sau lần đó, chị rút kinh nghiệm, phải tìm đến những gara uy tín, những người thợ có trình độ, có trách nhiệm để sửa chữa và bảo dưỡng chiếc xe của mình!
Từ những kinh nghiệm và câu chuyện kể trên, mong rằng, mọi người chăm sóc tốt hơn cho chiếc xe ô tô của mình, tránh tai nạn đáng tiếc.
Lê Phiên