Huyện Yên Bình có tổng số dân trên 112.000 người, trong độ tuổi lao động là trên 75.000 người. Mặc dù nguồn lao động dồi dào, song năng suất, chất lượng lao động chưa cao.
Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020”, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 cấp huyện và cấp xã; tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu đào tạo của lực lượng LĐNT, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo theo các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Đề án.
Đồng chí Nguyễn Quang Vinh - Trưởng phòng Lao động - Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện cho biết: "Thời gian qua, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã tăng cường phối hợp với Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện; các ban, ngành chức năng; UBND các xã, thị trấn; các cơ sở dạy nghề tích cực tuyên truyền, phát tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và UBND các xã, thị trấn triển khai công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương đảm bảo kịp thời, đúng quy định”.
Quá trình thực hiện Đề án 1956, huyện đã nỗ lực triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT (bao gồm: kinh phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại cho các cơ sở dạy nghề và học viên). Theo đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề hàng năm được cải thiện đáng kể.
Nếu như năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện chỉ đạt 21,50% thì năm 2019 đã tăng lên 44,5%; năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ước đạt 46,5%. Giai đoạn 2010 - 2020, 7.155 LĐNT được đào tạo nghề, đạt tỷ lệ 115,40%. Trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp là 4.190 người, chiếm tỷ lệ 58,56%; đào tạo nghề phi nông nghiệp là 2.965 người, chiếm tỷ lệ 41,43%. Tổng số LĐNT có việc làm sau học nghề là 6.558 người, đạt tỷ lệ 91,66%.
Qua tìm hiểu thực tế, hầu hết các học viên sau khi kết thúc khóa học đều biết vận dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế và có việc làm, thu nhập ổn định tại các công ty, nhà máy trên địa bàn với mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Để tạo điều kiện cho LĐNT phát triển kinh tế, từ năm 2010 đến nay, Yên Bình đã tạo điều kiện cho gần 2.600 học viên sau khi học nghề được vay vốn phát triển sản xuất với tổng số tiền 58,8 tỷ đồng. Qua đó, giúp cho 1.218 hộ gia đình có người tham gia học nghề thoát nghèo, 3.667 hộ gia đình có người tham gia học nghề trở thành hộ có thu nhập khá.
Thông qua công tác đào tạo nghề cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người khuyết tật... được tiếp cận với khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, được hỗ trợ kinh phí học tập, phần nào giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống.
Huyện Yên Bình đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%; đến năm 2030, tỷ lệ lao động được đào tạo đạt trên 80%; trung bình mỗi năm đào tạo nghề cho 600 LĐNT. Theo đó, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác đào tạo nghề cho LĐNT; tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh các trường THPT trên địa bàn; bám sát chương trình phát triển kinh tế, xã hội của huyện và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, mở các lớp dạy nghề phù hợp; thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Hồng Oanh