Nhìn những đứa trẻ tươi vui với váy áo xúng xính từ các bản, các xã vùng cao về thị trấn huyện lỵ không hẳn ai cũng biết nhiều em trong số đó hằng ngày phải đi trên những con đường đất dốc bằng đôi dép nhựa xộc xệch hoặc đôi chân trần để đến lớp, đến trường.
Những suy tư ấy cứ mãi trong tôi, ngay cả khi vượt 30 km đường dốc cao, quanh co, mặt đường hẹp đã dần xuống cấp do thiên tai từ Kim Nọi vào tận Chế Tạo. Trước đây, người dân Chế Tạo ra huyện phải đi bộ cả ngày. Tuy vất vả, nhưng con đường là sự liên kết duy nhất với sự văn minh phố huyện.
Nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nay con đường vào xã đã được bê tông hóa, điện cũng được kéo vào đến trung tâm. Đến ngã ba Tà Dông, chúng tôi rẽ vào bản Nả Háng và đi bộ hơn 13 km để tới điểm khởi công công trình. Hành trình đi bộ thật gian nan với những ai chưa biết đến vùng cao.
Con đường đất, đá sỏi lổn nhổn, gập ghềnh, dốc cao, quanh co, có những đoạn phải lội suối, nhưng với nỗ lực cùng sự quyết tâm cả đoàn, chúng tôi đã đến đích. Những tốp thanh niên với màu áo xanh tình nguyện chở xi măng từ xã vào bản cũng vừa tới, họ vui vẻ đề nghị chở chúng tôi, vậy là phía trước chở xi măng, phía sau xe chở người, nhưng ai cũng rất vui và hãnh diện.
Trên chuyến xe đặc biệt ấy, nói chuyện với anh Giàng A Nhà - công an viên phụ trách bản Nả Háng, tôi được biết: xi măng được chuyển tăng bo bằng xe máy qua 13 km đường từ bản vào chỗ khởi công, mỗi xe hầu như chỉ dám chở 1 hoặc 2 bao vì đường dốc cao, chở nặng rất nguy hiểm. Ngồi sau xe anh, ký ức của 7 năm trước của tôi ùa về, cái ngày mà lần đầu tiên tôi vào xã Chế Tạo.
Con đường vào bản sao mà giống con đường vào xã trước đây đến thế. May mắn cho đoàn chúng tôi là trời nắng đẹp, chỉ cần hôm trước có một trận mưa thôi là hành trình sẽ trở nên vô cùng gian nan, thậm chí không thể vào được vì lũ suối.
Lại nói về những bao xi măng, nếu nói đến chi phí, công vận chuyển còn đắt hơn giá trị của nó ba, bốn lần. Những tình nguyện viên của bản đi chở xi măng mỗi chuyến xe chạy gần 1 tiếng đồng hồ, một lượt chở được 2 bao là hai tiếng đồng hồ liên tục chạy trên con đường rộng hơn 1 mét, có chỗ men theo ruộng bậc thang như hình móng ngựa, rộng chỉ hơn nửa mét.
Trên con đường gập ghềnh ấy, tôi thấy có xe chở xi măng bị thủng lốp, bạn đoàn viên phải tự vá bằng dụng cụ mang theo. Thế mới biết, công sức không thể đo đếm được của những tình nguyện viên hết lòng vì dân bản, hết lòng "vì đàn em thân yêu”. Thế nhưng, để có những con đường bê tông hóa, ngoài xi măng còn cần cát sỏi.
Tôi hỏi anh Nhà - người chở tôi vào điểm khởi công, anh cho biết, cát vàng vào đến đây giá gấp 10 lần so với điểm bán vật liệu xây dựng ở huyện. Cho nên, đoàn viên thanh niên trong bản và của xã phải tự xúc, đãi ở suối bằng những dụng cụ thô sơ nhất. Sau lễ khởi công, đoàn viên thanh niên và người dân cũng như đoàn thiện nguyện đã bắt tay ngay vào làm tuyến đường của bản Nả Háng.
Tôi hỏi chuyện chị Lại Phương Lan - Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ Lại Lan Trang - người rất có tâm trong các chương trình thiện nguyện cũng là người kết nối các tấm lòng hảo tâm để ủng hộ 80 tấn xi măng để làm con đường này, vừa cùng người dân san gạt bê tông trên mặt đường chị vừa chia sẻ trả lời: "Đây là chuyến đi rất ý nghĩa của mình cũng như của cả đoàn. Ở nơi này, chẳng thể đong đếm được con đường trị giá bao nhiêu... Rất may, đoàn đã phối hợp với Hội đồng Đội, Tỉnh đoàn Yên Bái để thi công con đường. Cũng là tâm nguyện để cho các em đi học, người dân đi lại đỡ vất vả. Đoàn cũng cũng rất vinh dự khi biết công trình này nằm trong cụm công trình "Con đường em đến trường” chào mừng Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái”.
Trên đường trở lại ngã ba Tà Dông, một cơn mưa rừng bất chợt khiến hành trình thêm gian nan và nguy hiểm, chúng tôi lại càng thấm thía sự khó khăn, vất vả của vùng cao này. Những con đường đến trường được bê tông hóa không thể làm gần lại khoảng cách địa lý từ nhà đến trường, nhưng sẽ đưa các em đến gần hơn nữa với lớp, với trường và trong tôi hiện lên hình ảnh các em nhỏ người Mông nơi đây tung tăng trên con đường bê tông mới đến trường với thanh âm "Hôm nay đi học xa/Đường tương lai đường gần”.
Lại Tuyến