Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh, thời gian qua, Đoàn xã Hưng Thịnh đã tích cực vận động và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đoàn viên thanh niên trong xã tích cực phát triển kinh tế.
Hiện nay, toàn xã đang duy trì phát triển 4 mô hình kinh tế hiệu quả do thanh niên làm chủ, điển hình như mô hình trồng 3 ha cây ăn quả của đoàn viên Lê Hữu Tình; nuôi 300 con chim bồ câu giống và bồ câu thịt của đoàn viên Vũ Duy Khánh; nuôi bồ câu và dúi của đoàn viên Đinh Xuân Linh và làm xưởng gỗ của Dương Văn Chính...
Tại xã Báo Đáp, mới đây, Công ty TNHH Ngọc Chinh Yên Bái do đoàn viên Nguyễn Thị Chinh làm chủ đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động nhằm thu mua, sơ chế cây dược liệu để bán ra thị trường. Chị Chinh cho biết: Gia đình kinh doanh các loại cây dược liệu được hơn 1 năm nay, chủ yếu là sản phẩm từ cây xạ đen, hồng rừng… được thu mua nhiều ở huyện Văn Chấn, sau khi sơ chế sẽ bán ra thị trường chủ yếu bằng hình thức online. Bên cạnh đó, gia đình chị còn kết hợp kinh doanh hàng tạp hóa, bán các sản phẩm thảo dược… Tổng doanh thu 1 tháng cũng đạt trên 100 triệu đồng.
Đồng chí Vũ Thị Nhung - Bí thư Đoàn xã Báo Đáp cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn xã Báo Đáp cũng xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao do thanh niên làm chủ như: chăn nuôi lợn, nuôi gà, trồng rừng, trồng dâu nuôi tằm và sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp… Tiêu biểu như mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp làm bầu quế, vườn ươm cây giống và sản xuất gỗ rừng trồng của đoàn viên Đinh Thị Trang thôn Đồng Gianh. Đặc biệt, tổ hợp tác sản xuất nhôm kính cơ khí mái tôn do đoàn viên Lê Thành Tùng ở thôn Đình Xây làm tổ trưởng đã tạo công ăn việc làm cho khoảng từ 10 đến 15 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng”.
Theo số liệu thống kê, huyện Trấn Yên hiện có trên 60 mô hình kinh tế giỏi do thanh niên làm chủ, điển hình như: trồng cây ăn quả có múi ở Hồng Ca, Hưng Thịnh; nuôi gà trang trại ở thị trấn Cổ Phúc, các xã Minh Quán, Y Can; chăn nuôi tổng hợp tại xã Đào Thịnh, Quy Mông và trồng dâu nuôi tằm ở Báo Đáp, Tân Đồng; kinh doanh dịch vụ tổng hợp cũng phát triển khá mạnh. Các mô hình đều cho thu nhập từ 100 đến hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, xuất hiện thêm các mô hình trồng mới cây dược liệu tại Đào Thịnh, Cường Thịnh do thanh niên làm chủ.
Đồng chí Trần Thị Vân Nga - Bí thư Huyện đoàn Trấn Yên cho biết: "Các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn huyện đều có hướng đi mới, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, tìm đầu ra ổn định, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động; hạn chế tình trạng thanh niên rời quê đi làm ăn xa”.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào thanh niên khởi nghiệp, thời gian tới, Huyện đoàn Trấn Yên sẽ chỉ đạo các chi đoàn tích cực nắm tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên để có những định hướng, tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên phát triển các mô hình kinh tế.
Thu Hằng - Thu Phượng (Trung tâm TT&VH Trấn Yên)