Kể từ người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990, đến năm 2020 Việt Nam đã có 30 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS. Ngày14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn tới trong đó mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 với chủ đề "30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam” là một dấu mốc quan trọng để Việt Nam nhìn lại các thành quả mà chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được trong suốt 30 năm qua, những bài học kinh nghiệm mà Việt Nam đã đạt được và phương hướng hoạt động cho thời gian tới.
Tại Yên Bái, từ trường hợp nhiễm HIV được phát hiện vào năm 1997 đến nay lũy tích số người nhiễm HIV của toàn tỉnh là 6.023 người, trong đó, lũy tích tử vong là 1.634 người, số nhiễm HIV còn sống hiện quản lý được là 2.292 người.
Đường lây truyền HIV của người nhiễm HIV trên địa bàn toàn tỉnh: đường máu là 39,77%, tình dục là 11,09 %, khác là 40,43%. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV/dân số toàn tỉnh 0,52%. Trên địa bàn toàn tỉnh 9/9 huyện, thị xã, thành phố, 160/173 xã phường có người nhiễm HIV. Trong đó: thành phố Yên Bái, Văn Chấn, Nghĩa Lộ là những địa phương có người nhiễm HIV cao.
Trong những năm qua, Yên Bái đã có những ứng phó một cách toàn diện trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tuyến tỉnh, tuyến huyện với sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể đã thể hiện rõ quan điểm phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS.
Sở Y tế, cơ quan thường trực phòng, chống HIV/AIDS đáp ứng tích cực trong suốt 30 năm qua để tham mưu và tổ chức thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Hệ thống cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS được xây dựng, củng cố từ tỉnh đến xã, phường đảm bảo triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS một cách thường xuyên, hiệu quả.
Qua đó, ngành y tế đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng về các hoạt động, dịch vụ phòng chống HIV/AIDS, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng được tiếp cận với dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đang triển khai tại địa phương.
Đồng thời, nâng cao kiến thức về phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, lợi ích của việc xét nghiệm phát hiện HIV, lợi ích của việc điều trị bằng thuốc ARV, Methadone.
Từ đó, giúp người dân giảm sự phân biệt, kỳ thị đối với những người nhiễm HIV, động viên, giúp đỡ họ phát triển kinh tế gia đình, hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, kiểm soát và ngăn ngừa hiệu quả tình trạng lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 điểm điều trị ARV và 27 điểm cấp phát thuốc cho 1.630 bệnh nhân. Công tác tư vấn, xét nghiệm sàng lọc cho bà mẹ mang thai trước, trong và sau khi sinh tiếp tục được duy trì đến thời điểm tháng 10/2020 đã điều trị dự phòng lây truyền HIV cho 13 cặp mẹ con kết quả không phát hiện trường hợp nào bị lây truyền HIV từ mẹ, đây là một kết quả có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Đến nay, toàn tỉnh đã tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV cho 32.155 lượt cho các đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV, phát hiện mới 84 ca nhiễm HIV; phát bơm kim tiêm cho trên 1.100 người. Toàn tỉnh đang triển khai 8 điểm điều trị Methadone cho trên 1.000 bệnh nhân nghiện ma túy.
Với những kết quả đã đạt được trong 30 năm qua, Yên Bái đã kiểm soát tốt dịch HIV trên cả 3 tiêu chí, giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người tử vong do AIDS, giảm số người chuyển giai đoạn AIDS. Qua đó, Yên Bái đang tiến gần đến các mục tiêu 90 - 90 - 90 mà Chính phủ đã cam kết tạo cơ hội để kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Để chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, tỉnh Yên Bái tiếp tục duy trì và ổn định hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh thực hiện giải pháp bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV tự nguyện mua bảo hiểm y tế.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện kế hoạch đảm bảo tài chính hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025 trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch; tăng cường rà soát đưa người nhiễm HIV vào điều trị ARV, đảm bảo hướng tới mục tiêu đưa 90% số người nhiễm HIV vào điều trị ARV trong thời gian tới.
Đối với công tác xét nghiệm HIV đa dạng hóa các loại hình xét nghiệm cùng xét nghiệm tại các cơ sở y tế, chú trọng xét nghiệm tư vấn lưu động tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa và đẩy mạnh thực hiện xét nghiệm không chuyên cho các đối tượng nguy cơ cao.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh giám sát HIV/AIDS, trong năm 2020, kiểm soát bệnh tật đang triển khai rà soát người nhiễm HIV trên địa bàn toàn tỉnh để có số liệu người nhiễm HIV chính xác đảm bảo cho việc đề ra các giải pháp can thiệp cho công tác phòng, chống HIV hiệu quả; đa dạng hóa các hình thức và nội dung truyền thông, kết hợp truyền thông đại chúng với truyền thông trực tiếp và truyền thông nhân sự kiện nhằm thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS.
Trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020, ngành y tế sẽ có nhiều hoạt động hưởng ứng. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS, rà soát HIV, giám sát chương trình; phối hợp với Bảo hiểm xã hội thực hiện đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân HIV khi đi khám, chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế; giám sát, hướng dẫn các đơn vị y tế thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV cho các đối tượng nguy cơ cao tại tuyến huyện, tuyến xã.
Sở Y tế phối hợp với Dự án AHF, nguồn kinh phí từ Quỹ hỗ trợ người nhiễm tổ chức trao quà cho 42 trẻ em nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV và 33 người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn của huyện Trấn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái.
Thu Hiền