Vừa qua, Bệnh viện Da liễu thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận một bệnh nhân nữ 27 tuổi bị tai biến do xăm môi, nhập viện trong tình trạng môi trên biến dạng, chảy mủ, môi dưới bong tróc gây đau nhức kèm sốt.
Khai thác bệnh sử, người bệnh cho biết, trước đó, hai tuần có đến một thẩm mỹ viện tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai để xăm môi với giá 2 triệu đồng. Một tuần sau, môi của chị xuất hiện nhiều nốt mụn mủ sưng to, đau nhức. Cách đây chưa lâu, bé gái 13 tuổi ở thị xã Nghĩa Lộ đã đến một cơ sở làm đẹp để tiêm filler. Người thực hiện thủ thuật đã tiêm không đúng kỹ thuật, trúng mạch máu của bé gái khiến cháu bị mù mắt…
Hiện nay, cả nước có hàng chục nghìn cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động. Tại Yên Bái, con số có vẻ còn khiêm tốn nhưng cũng đến hàng trăm, từ thành phố, thị xã đến thị trấn, thậm chí là thôn làng, đâu đâu cũng có thể thấy các cơ sở làm đẹp ngang nhiên quảng cáo các dịch vụ xăm môi, nhấn mí, trị nám, căng chỉ da mặt.
Nhiều cô nhân viên cắt tóc, gội đầu còn mạnh dạn làm thêm cả việc bổ mí, tiêm filler… ngay tại ghế gội đầu, bất chấp quy định tại Nghị định số 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ, các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ, tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Chúng tôi chứng kiến một chị làm nghề tạo mẫu tóc trên đường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái bóc mí mắt cho một khách hàng ngay tại… ghế gội đầu. Quá trình thực hiện "ca phẫu thuật” được nhân viên của cơ sở này livestream (phát trực tiếp trên mạng xã hội).
Xin được nêu thêm một thí dụ khác, đó là khoảng hơn 1 tháng nay, một cơ sở làm đẹp trên đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái liên tục livestream các ca phẫu thuật nâng mũi, căng chỉ, bổ mí… mà người thực hiện là một… anh xe ôm đổi nghề.
Theo dõi facebook của cơ sở này, chúng tôi thấy nhiều lời lẽ quảng cáo, các clip, hình ảnh vị "chuyên gia” thẩm mỹ này đi đào tạo kỹ thuật nhấn mí, nâng mũi, căng chỉ da mặt… cho các học viên là nhân viên cắt tóc gội đầu khác! Các thí dụ kể trên cho chúng ta thấy lỗ hổng trong công tác quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước.
Nhiều bác sĩ phản ánh rằng, một cơ sở khám chữa bệnh đã được cấp phép, mỗi năm có ít nhất 5 đến 7 đoàn đến thanh kiểm tra, những vi phạm nếu bị phát hiện đều bị xử lý rất nghiêm. Tuy nhiên, không hiểu sao các cơ sở làm đẹp, thực hiện can thiệp vào cơ thể người diễn ra khá phổ biến, còn quảng cáo, phát trực tiếp công khai nhưng không một ai nhắc nhở, xử lý hoặc chỉ bị xử lý khi có sự phản ánh, khiếu nại của người dân.
Trước thực trạng kể trên, chúng ta cần tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tốt hơn nữa, qua đó nâng cao nhận thức của người dân. Các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra giám sát và xử phạt nghiêm minh. Với người dân, đặc biệt là phụ nữ hãy đến cơ sở y tế uy tín, phương tiện đảm bảo cùng bác sĩ chuyên khoa, đừng chấp nhận rủi ro như bé gái ở Nghĩa Lộ chịu cảnh mù lòa suốt đời vì… làm đẹp!
Lê Xuân Trường