Ngành Y tế Yên Bái chủ động phòng chống dịch bệnh giao mùa

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/3/2021 | 7:17:30 AM

YênBái - Thời tiết giao mùa nồm ẩm, mưa phùn tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc, dịch bệnh truyền nhiễm phát triển lây lan, nhất là các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa như: tiêu chảy, sởi, cúm mùa, thủy đậu... Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động, biện pháp bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Cán bộ y tế Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi.
Cán bộ y tế Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi.

Tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái, trung bình tuần qua có trên 100 bệnh nhi nhập viện điều trị với các bệnh thường mắc như: viêm phổi, hen phế quản, cúm mùa… và một số trường hợp mắc tay chân miệng, thủy đậu, ho gà. 

Bác sĩ Chuyên khoa I Đỗ Thị Phương Thảo - Phó trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản - Nhi cho biết: "Thời tiết nồm ẩm, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm rất cao khiến trẻ nhỏ dễ nhiễm các bệnh liên quan đến đường hô hấp, thậm chí bệnh còn tái phát lại nhiều lần. Có những trẻ trong vòng 1 tháng phải nhập viện tới 3 lần do bị viêm đường hô hấp”. 

Đưa con gái 3 tuổi đến khám và điều trị tại Bệnh viện, chị Phạm Thị Thu ở xã Đại Đồng, huyện Yên Bình chia sẻ: "Cháu nhập viện tại Khoa Nhi với các triệu chứng sốt nhẹ, ho, khó thở, quấy khóc nhiều về đêm. Sau khi khám, bác sĩ kết luận cháu bị viêm phổi. Qua 1 tuần điều trị tích cực, được sự quan tâm của các y bác sĩ, tình trạng sức khỏe của cháu đã dần ổn định”.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh, từ đầu năm đến nay, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn, tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ. 

Đến hết ngày 18/3/2021, toàn tỉnh chỉ xuất hiện một vài ca bệnh rải rác như: bệnh cúm: 1.063 trường hợp, tay chân miệng: 4 trường hợp, tiêu chảy: 284 trường hợp, thủy đậu: 245 trường hợp. 

Để giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh, Trung tâm KSBT tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh với nhiều hình thức: tuyên truyền trực tiếp qua đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, qua hoạt động khám chữa bệnh, hệ thống loa phát thanh; phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh viết tin, bài tuyên truyền... 

Ngay từ đầu năm, Trung tâm KSBT tỉnh đã yêu cầu trung tâm y tế các địa phương chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh phát sinh theo mùa tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp như: cúm mùa, sởi, ho gà, thủy đậu, tay chân miệng… và đặc biệt là bệnh cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 lây từ gia cầm sang người tại cộng đồng. 

Nếu có ca nhiễm phải nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng. 

Đối với từng khoa, phòng điều trị tại các cơ sở y tế phải giám sát, báo cáo đầy đủ tình hình, tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế việc chuyển bệnh nhân, tránh lây truyền dịch bệnh; thực hiện phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện; đảm bảo đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị sẵn sàng thu dung và điều trị bệnh nhân khi có dịch xảy ra.

Bác sĩ Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm KSBT tỉnh khuyến cáo: Biện pháp phòng, chống dịch bệnh lâu dài và hiệu quả là tiêm vắc-xin phòng bệnh. Vì vậy, người dân cần chủ động tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc-xin hiện có tại các cơ sở y tế, bởi không chỉ trẻ nhỏ, người lớn, nhất là phụ nữ trước khi mang thai nên tiêm phòng bệnh như cúm, sởi, rubella, thủy đậu. 

Cùng đó, người dân cần vệ sinh sạch sẽ nơi ở thông thường từ 1 - 2 lần/ngày; thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo dinh dưỡng; giữ ấm cơ thể khi đi đường và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn. 

"Nếu có dấu hiệu mắc các bệnh truyền nhiễm hoặc phát hiện trường hợp mắc bệnh cần chủ động báo cho cán bộ y tế, nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, không để lây lan thành dịch trong cộng đồng” - Bác sỹ Quang đề nghị. 

 Bùi Minh

Tags Y tế giao mùa tiêu chảy sởi cúm mùa thủy đậu rửa tay

Các tin khác
Đợt nắng nóng này ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 2/4

Từ ngày 30/3, khu vực Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 39 độ.

Các thiết bị chiếu sáng tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được tắt bớt.

Chiến dịch Giờ Trái Đất sẽ không chỉ dừng lại ở sự kiện tắt đèn mang tính biểu tượng mà sẽ tiếp tục lan tỏa tới mọi tổ chức, mọi cá nhân để cùng hành động vì một Trái Đất xanh.

Ảnh minh họa

Giờ Trái đất năm 2021 với thông điệp “Lên tiếng vì thiên nhiên" diễn ra từ 20h30 - 21h30 ngày 27/3/2021, tập trung vào 2 chủ đề: “Tiết kiệm năng lượng - Giảm phát thải khí nhà kính” và “Không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên”.

Các tình nguyện viên tham gia hiến máu trong Ngày hội hiến máu “BIDV – Những giọt máu hồng”

Ngày 27/3, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt nam (BIDV) Chi nhánh Yên Bái đã tổ chức Ngày hội hiến máu với chủ đề “BIDV- Những giọt máu hồng”. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và hưởng ứng lời kêu gọi hiến máu cứu người của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục