Sinh năm 1946, năm 1967 thanh niên Bùi Hữu Quang tình nguyện lên đường nhập ngũ, tham gia Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 307. Năm 1973 ông xuất ngũ trở về quê hương Nam Định, năm 1976 rời quê lên Yên Bái làm kinh tế mới, tham gia hợp tác xã tại Tân Thịnh.
Ông Quang cũng mạnh dạn nhận trên 3 ha đất rừng ở khu vực thôn Trấn Ninh, xã Tân Thịnh để gây dựng kinh tế. Vất vả ngày đêm, 3 ha đồi tạp đã được phủ kín bởi keo, quế, bồ đề, mang lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng mỗi kỳ thu hoạch cho gia đình. Vườn nhà, ông trồng đủ các loại cây như: chanh, cam, quýt, đào cảnh… kết hợp chăn nuôi lợn, gà. Kinh tế gia đình dần khá giả, các con ông cũng đều phương trưởng.
Ở tuổi 70, ông Quang vẫn tìm tòi các mô hình phát triển kinh tế. Năm 2015, ông đưa cây nghệ nếp tằm về trồng thử nghiệm tại vườn nhà. Qua kiểm nghiệm, cây nghệ tằm hợp thổ nhưỡng cho hàm lượng Curcumin cao, sản phẩm rất tốt cho sức khỏe như chữa đau dạ dày và xương khớp và giải độc cho cơ thể… Vì vậy, ông nhân rộng diện tích nghệ lên 6 sào và tham gia Tổ hợp tác sản xuất tinh bột nghệ Trấn Ninh. Hiện mỗi năm gia đình ông thu ngót 1 tạ tinh bột nghệ; với giá bán 250 nghìn đồng/kg thu trên 100 triệu đồng/năm sau khi trừ các chi phí.
Ông Quang chia sẻ: "Những năm mới bắt đầu làm kinh tế, tôi gặp rất nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm, dịch bệnh, đầu ra… Có thời điểm cảm thấy muốn bỏ cuộc trước khó khăn, đặc biệt là sức khỏe, nhưng là người lính, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ cho được phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, nghĩ thế mình có thêm động lực để kiến tạo cuộc sống tốt đẹp hơn.
Với vai trò là Chi hội trưởng Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thành phố Yên Bái, ông Quang tích cực vận động bà con trong thôn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; chia sẻ kỹ thuật trồng cây nghệ nếp tằm cho các hội viên và người dân trong xã cùng giúp nhau phát triển kinh tế.
Cựu chiến binh Hà Xuân Lộc, tổ 2, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cũng là hội viên tiên phong trong phát triển kinh tế. Là lính Tiểu đoàn D19, Sư đoàn 312, năm 1972 khi tham gia trận đánh tại cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào), ông Lộc bị thương nặng vùng đầu và chân. Năm 1973, ông được phục viên về công tác tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái. Nghỉ hưu năm 2010, cùng các cựu chiến binh tham gia phong trào phát triển kinh tế của địa phương, ông Lộc chọn mô hình nuôi ong mật.
Ông Lộc cho hay: "Nghỉ hưu nhưng tôi luôn nghĩ phải làm gì để rèn luyện sức khỏe mỗi ngày cũng như bảo ban các con phát triển kinh tế gia đình. Tôi thử nghiệm nuôi 10 đõ ong. Vừa làm vừa học hỏi, tôi cũng đã đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh để tìm nguồn thức ăn cho đàn ong phát triển. Đến nay, tôi đã có trên 50 đõ ong, cho thu trên 500 lít mật/năm, với giá bán 200 - 250 nghìn đồng/lít, mỗi năm gia đình thu được trên 100 triệu đồng”. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Lộc cũng nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp nguồn con giống những hội viên có nhu cầu nuôi ong.
Đây chỉ là 2 trong số hàng chục mô hình kinh tế tiêu biểu của hội viên Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thành phố Yên Bái những năm qua. Với trên 200 hội viên, những tấm gương tiêu biểu của những người lính năm xưa là nguồn sức mạnh tinh thần cổ vũ động viên cháu con học tập, noi theo; khích lệ phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Minh Huyền