Cơ sở giáo dục bắt buộc căn cứ vào tình hình thực tế và khảo sát nhu cầu nghề, việc làm của địa phương nơi trại viên cư trú để đào tạo nghề nghiệp phù hợp. Trong đó, Nghị định quy định chế độ học tập, sinh hoạt của trại viên tại cơ sở giáo dục bắt buộc. Cụ thể, về chế độ học tập, trại viên được học các chương trình giáo dục công dân mỗi tuần 1 buổi, mỗi buổi 4 giờ và các chương trình giáo dục khác của Bộ Công an.
Cơ sở giáo dục bắt buộc tổ chức dạy Chương trình Xóa mù chữ cho những trại viên chưa biết chữ hoặc tái mù chữ, việc học văn hóa đối với những trại viên mù chữ, tái mù chữ là bắt buộc. Thời gian học văn hóa cho trại viên mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi 4 giờ, không tổ chức học vào các ngày chủ nhật, lễ, Tết.
Kinh phí hằng tháng chi cho việc học văn hóa, học nghề, giáo dục công dân cho mỗi trại viên tương đương với 5 kg gạo tẻ.
Trại viên được hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí; được đọc sách, báo, nghe đài, nghe phổ biến thời sự, chính sách, được xem vô tuyến truyền hình theo quy định của Bộ Công an.
Mỗi cơ sở giáo dục bắt buộc được thành lập 1 thư viện, khu vui chơi, sân thể thao. Cứ 30 trại viên được phát 1 tờ báo Nhân dân và 1 tờ báo Pháp luật Việt Nam theo kỳ phát hành. Mỗi phân khu được trang bị hệ thống truyền thanh, mỗi buồng ở tập thể được trang bị 1 ti vi.
Ngoài thời gian tham gia các hoạt động giáo dục, học tập, lao động, sinh hoạt chung, trại viên theo tôn giáo được sử dụng kinh sách in được xuất bản, phát hành hợp pháp mỗi tuần một lần. Trại viên theo tôn giáo đăng ký với cán bộ cơ sở giáo dục bắt buộc việc sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cá nhân tại địa điểm, thời gian do Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc quy định và không làm ảnh hưởng đến người khác. Cơ sở giáo dục bắt buộc có trách nhiệm quản lý, kiểm duyệt kinh sách trước khi cho trại viên sử dụng.
Chế độ lao động, học nghề của trại viên
Nghị định cũng quy định cụ thể chế độ lao động, học nghề của trại viên. Cụ thể, thời gian lao động của trại viên không quá 8 giờ trong 1 ngày, không quá 5 ngày trong 1 tuần, được nghỉ vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, lễ, Tết theo quy định của pháp luật. Trường hợp đột xuất hoặc do yêu cầu lao động, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc có thể quyết định lao động thêm giờ nhưng không quá 2 giờ trong 1 ngày, không quá 40 giờ trong 1 tháng, 200 giờ trong 1 năm và được bố trí nghỉ bù.
Trại viên phải hoàn thành định mức lao động được giao. Ngoài giờ lao động hằng ngày theo quy định, cơ sở giáo dục bắt buộc có thể cho phép trại viên lao động thêm để cải thiện đời sống theo nguyện vọng của họ nhưng phải theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với những công việc mà pháp luật quy định phải có bảo hộ lao động thì cơ sở giáo dục bắt buộc có trách nhiệm trang bị quần áo, thiết bị bảo hộ lao động phù hợp với yêu cầu công việc. Trường hợp làm ca đêm, làm việc ngoài giờ, làm việc trong các điều kiện độc hại hoặc công việc nặng nhọc thì được bồi dưỡng theo quy định.
Trường hợp trại viên bị tai nạn lao động thì cơ sở giáo dục bắt buộc phải tổ chức cứu chữa kịp thời và làm các thủ tục cần thiết để giải quyết chế độ trợ cấp theo quy định của pháp luật. Trường hợp cơ sở giáo dục bắt buộc phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức lao động cho trại viên thì chế độ lao động của trại viên được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Về chế độ học nghề, cơ sở giáo dục bắt buộc có đủ điều kiện trực tiếp đào tạo nghề nghiệp hoặc phối hợp với cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề nghiệp cho trại viên theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; cơ sở giáo dục bắt buộc căn cứ vào tình hình thực tế và khảo sát nhu cầu nghề, việc làm của địa phương nơi trại viên cư trú để đào tạo nghề nghiệp phù hợp.
Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2022.
(Theo chinhphu.vn)