Được biết đến là tấm gương tiêu biểu trong Phong trào thi đua sáng tạo lập thân, lập nghiệp tại địa phương, đoàn viên Nguyễn Thị Trang - Chi Đoàn thôn Minh Thân, xã Đại Minh đã mạnh dạn đầu tư 15 triệu đồng ứng dụng hệ thống tưới tự động và chăm sóc theo quy trình VietGAP để chăm sóc vườn bưởi của gia đình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại trên 50 gốc bưởi của gia đình Trang phát triển tốt, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng.
Nguyễn Thị Trang chia sẻ: Trước đây, từ đời ông bà, bố mẹ tôi đã trồng bưởi để phát triển kinh tế nhưng năng suất, chất lượng quả không cao, do chỉ làm theo kinh nghiệm. Sau thời gian tìm hiểu, tôi đã ứng dụng hệ thống tưới tự động và chăm sóc theo quy trình VietGAP, qua đó vừa giảm được rất nhiều công lao động, tăng được năng suất, chất lượng quả và hiệu quả kinh tế mang lại cũng cao hơn.
Khác với đoàn viên Nguyễn Thị Trang, đoàn viên Lý Thị Sam Sung, xã Vũ Linh lại chọn cho mình hướng phát triển kinh tế từ mô hình du lịch cộng đồng. Với mong muốn quảng bá văn hóa dân tộc Dao tới khách du lịch trong nước và quốc tế, từ lợi thế nhà ở gần hồ Thác Bà, Lý Thị Sam Sung đã nghiên cứu, học hỏi liên kết với các câu lạc bộ văn nghệ dân gian ở địa phương xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Mô hình du lịch của Sung 1 năm đón khoảng 500 - 600 lượt du khách cho thu nhập 250 - 300 triệu đồng.
Lý Thị Sam Sung chia sẻ: Hầu hết khách du lịch khi đến đây rất hài lòng và thích thú khi được trải nghiệm, được hòa mình vào cuộc sống của người dân bản địa. Mô hình không những tạo thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn gìn giữ và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh của quê hương Yên Bái đến khách du lịch trong nước và quốc tế.
Với hơn 18 nghìn đoàn viên thanh niên tham gia sinh hoạt tại 40 cơ sở đoàn và đoàn trực thuộc, những năm qua, Huyện đoàn Yên Bình chú trọng đẩy mạnh Phong trào "Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”. Hàng năm, đi đôi với việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) phát huy nội lực, tận dụng tiềm năng thế mạnh của địa phương là trồng rừng kết hợp với chăn nuôi và sản xuất các ngành nghề kinh doanh dịch vụ, du lịch… để phát triển kinh tế.
Để tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho ĐVTN, các cơ sở đoàn trong huyện đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện thành lập và duy trì hoạt động của 39 tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở với tổng dư nợ đạt trên 63 tỷ đồng. Cùng với đó, Huyện đoàn tích cực đồng hành, khuyến khích ĐVTN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Anh Lý Trung Dũng - Bí thư Huyện đoàn Yên Bình cho biết: Huyện đoàn tập trung chỉ đạo các cơ sở đoàn, hội thành lập các câu lạc bộ, nhóm thanh niên phát triển kinh tế cùng lĩnh vực, cùng sở thích để chia sẻ kinh nghiệm cũng như giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm giúp ĐVTN có động lực để bứt phá vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình.
Hiện nay, toàn huyện đã phát triển 2 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác và trên 200 mô hình kinh tế trang trại, mô hình sản xuất kinh doanh do ĐVTN làm chủ, có thu nhập mỗi năm từ 200 triệu đồng trở lên.
Các mô hình kinh tế tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trồng cây lâm nghiệp, các loại cây ăn quả có múi, cây ăn quả đặc sản; các mô hình nuôi cá trong ao, cá lồng, nuôi cá bằng biện pháp quây lưới trên eo ngách hồ Thác Bà; mô hình chăn nuôi gia súc; mô hình kinh doanh hàng tạp hoá, sản xuất ván bóc…
Đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, mô hình mới đạt mức thu nhập vài trăm triệu đồng một năm. Qua đó, khẳng định bản lĩnh, sự năng động, sáng tạo và khát vọng được cống hiến của tuổi trẻ địa phương tham gia góp sức phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng cuộc sống hạnh phúc tại địa phương.
Hồng Duyên