Sau khi tham quan, học hỏi mô hình nuôi hươu của nhiều hội viên nông dân trong và ngoài tỉnh, anh Ngô Xuân Yên, thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên nhận thấy đây là mô hình phù hợp với điều kiện của gia đình.
Năm 2018, anh Yên đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cộng với nguồn vốn đã tích cóp của gia đình để xây dựng chuồng trại, mua 3 con hươu về nuôi.
Nhờ được tham gia nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi của HND xã, anh Yên nắm vững kỹ thuật để chăm sóc đàn hươu phát triển tốt, đến nay đã tăng lên 14 con. Hươu sau 1 năm tuổi đã được cắt nhung mỗi năm 2 lần, thu khoảng 8 - 9 lạng nhung.
Với giá bán trên thị trường từ 2 - 2,5 triệu đồng/lạng, giống 20 triệu đồng/con, hươu thịt 400.000 đồng/kg thịt hơi đã đem lại nguồn thu trên 100 triệu đồng/năm cho gia đình.
Anh Yên chia sẻ: "Được HND hỗ trợ nguồn vốn, tập huấn kỹ thuật gia đình tôi đã phát triển tốt đàn hươu. Ngoài thức ăn là cỏ, lá cây như các con vật khác, tôi còn bổ sung thêm các loại củ, quả như khoai, cà rốt, mít, ngô, chuối và thức ăn tinh cho hươu”. Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, anh Yên cũng sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi hươu với các hộ có nhu cầu trong Chi hội.
Với ông Ngô Văn Đức, thôn Đoàn Kết, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên đã tận dụng đất vườn đồi để trồng thanh long ruột đỏ, bưởi, ổi và quế. Lựa chọn những giống cây trồng tốt, lại có kỹ thuật nên mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Đức phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập cao.
Ông Đức chia sẻ: "Gia đình có diện tích đất lớn, lại có kỹ thuật nhờ tham gia các lớp tập huấn của HND và được tạo điều kiện về nguồn vốn vay, năm 2015 gia đình tôi đã bắt đầu chuyển diện tích đất kém hiệu quả sang trồng quế, ổi, thanh long ruột đỏ. Lấy ngắn nuôi dài, gia đình còn trồng 8 ha quế. Đến nay, mỗi năm gia đình thu 400 - 500 triệu đồng”.
Mô hình kinh tế tổng hợp của ông Đức được Chi hội nông dân thôn Đoàn Kết nhân rộng. Đây chỉ là 2 trong số 40.000 hộ hội viên SXKD giỏi của HND tỉnh trong năm 2021 nhờ được các cấp HND tỉnh hỗ trợ nguồn vốn vay, chuyển giao khoa học, kỹ thuật để thúc đẩy các mô hình mới, có hiệu quả vào sản xuất…
Chỉ tính 3 tháng đầu năm 2022, HND tỉnh đã phối hợp tổ chức 290 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan mô hình; thẩm định và giải ngân 5 dự án: nuôi bò sinh sản, nuôi dê sinh sản và thương phẩm, trồng dâu nuôi tằm… với tổng nguồn vốn vay 1 tỷ 150 triệu đồng... Hội còn thực hiện ký kết "Kế hoạch phối hợp hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2022” với Bưu điện tỉnh...
Theo ông Nguyễn Văn Quý - Phó Chủ tịch HND tỉnh, để giúp hội viên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và các điều kiện sống, HND tỉnh đã ban hành kế hoạch và xây dựng Mô hình "Chi hội nông dân hạnh phúc” với các giải pháp cụ thể: "Chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất Phong trào "Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; xây dựng các mô hình SXKD có hiệu quả để nhân rộng; tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư, khoa học kỹ thuật; liên kết trong SXKD; phối hợp xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ nông sản cho nông dân... Bên cạnh đó, tuyên truyền vận động nông dân tích cực tham gia Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; bảo vệ môi trường…
Sự nỗ lực từ các cấp Hội, sự phấn đấu vươn lên của hội viên nông dân toàn tỉnh, đặc biệt việc triển khai hiệu quả Mô hình "Chi hội nông dân hạnh phúc” của HND tỉnh sẽ từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên, góp phần tích cực nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái.
Minh Huyền