Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tăng lương tối thiểu 6% từ ngày 1/7 so với mức lương tối thiểu vùng hiện hành - tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng.
|
Ảnh minh họa.
|
Ngày 20/5, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội bắt đầu lấy ý kiến 29 bộ ngành, cơ quan, hiệp hội về dự thảo nghị định quy định mức lương tối thiểu, áp dụng với lao động làm việc theo hợp đồng trong doanh nghiệp.
Tại dự thảo tờ trình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng I là 4.680.000 đồng/tháng; vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; vùng III là 3.640.000 đồng/tháng và vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Bộ đề nghị thời điểm quy định thời điểm thực hiện mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022 như Hội đồng tiền lương quốc gia đã khuyến nghị với Chính phủ.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc xác định mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên dựa trên cơ sở tăng 5,3% để bảo đảm đủ mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ và tăng thêm 0,7% để cải thiện thêm tiền lương cho người lao động.
Mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 100% thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất và khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh theo mức này.
Về mức lương tối thiểu giờ, quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đây là loại hình lương tối thiểu được quy định mới nhằm triển khai quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Các mức lương tối thiểu giờ được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động.
Việc áp dụng phương pháp quy đổi tương đương nêu trên phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta khi lần đầu tiên quy định mức lương tối thiểu giờ, tránh tạo ra sự xáo trộn việc trả lương cho người lao động, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp. Đây là cách xác định mức lương tối thiểu giờ được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và được các chuyên gia ILO khuyến nghị cho Việt Nam áp dụng.
Hội đồng Tiền lương quốc gia hôm 12/4 thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7/2022. Nếu được thông qua, đây là lần đầu tiên kể từ khi áp dụng lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp (năm 2009), tiền lương tăng vào giữa năm thay vì đầu năm và dự kiến kéo dài 18 tháng thay vì 12 tháng như thường lệ.
Đại diện VCCI đồng ý với mức tăng 6% song chưa hài lòng với thời điểm tăng từ 1/7, mong muốn điều chỉnh từ 1/1/2023 để doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị.
Ngày 14/4, 8 hiệp hội doanh nghiệp có công văn gửi Chính phủ kiến nghị lùi thời điểm tăng lương sang đầu năm sau. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sau đó có ý kiến, đề nghị các hiệp hội rút đề xuất này, trong bối cảnh khảo sát 56% lao động nói tiền lương không đủ sống. |
(Theo VTV)
Chiều 20/5, Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố Yên Bái tổ chức Đại hội Đại biểu Hội CTĐ lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên đã ghi nhận sự gia tăng cục bộ tại một số địa phương các bệnh lưu hành như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng và một số bệnh truyền nhiễm khác.
Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam thông báo về việc cấp lại visa ngắn hạn C-3 cho du khách nước ngoài, trong đó có Việt Nam từ đầu tháng 6.
Ngày 20/5, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Lục Yên tổ chức Đại hội đại biểu Hội CTĐ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022-2027.