Hội thi trở thành sân chơi bổ ích, lý thú với mỗi hội viên, nông dân và là dịp giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tiếp cận ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tăng cường sự gắn bó, đoàn kết giữa hội viên nông dân với tổ chức Hội.
Trong phần thi "Lời chào nông dân”, bằng những câu hò, tiếng hát, khúc nhạc vui, tiểu phẩm… các đội thi đã khéo léo giới thiệu những nét đặc trưng về kinh tế, văn hóa, con người; hoạt động hội, phong trào nông dân địa phương và các thành viên dự thi của đội mình, mang lại không khí vui tươi, sôi động. Nhiều đội có sự đầu tư về nội dung, hình thức, hoạt cảnh... thực sự gây ấn tượng với Ban Giám khảo và khán giả.
Ở phần thi "Kiến thức nhà nông”, các đội thi trả lời nhanh các câu hỏi trắc nghiệm về xây dựng và củng cố tổ chức Hội, xây dựng nông thôn mới, trật tự an toàn xã hội.
Ngoài ra, Ban Tổ chức Hội thi còn đưa ra những câu hỏi liên quan đến sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; hợp tác, liên kết sản xuất; Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); chế biến, bảo quản, tiêu thụ, quảng bá nông sản, hàng hóa của nông dân giai đoạn hiện nay; sáng kiến, sáng chế, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp; hoạt động dịch vụ, dạy nghề, hỗ trợ nông dân; xây dựng mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị... Mặc dù nội dung kiến thức khá rộng, nhưng các đội đều hoàn thành tốt phần thi của mình, trả lời đúng, tạo ấn tượng, thuyết phục.
Đặc biệt hấp dẫn và gây ấn tượng nhất là phần thi "Tài năng nông dân”. Phần thi này, các đội thể hiện năng khiếu nghệ thuật, kỹ năng làm việc nhóm, sự đoàn kết, năng động, sáng tạo của hội viên nông dân qua các tiểu phẩm vui (kịch nói, ca, hò, táo quân).
Qua đó, lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất; thông điệp về bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới; phê phán những thói hư tật xấu diễn ra ở nông thôn; tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các điển hình...
Nhiều tiểu phẩm đã tạo ấn tượng tốt như: tiểu phẩm "Hội nông dân phấn đấu đua tài” của đội huyện Văn Yên; tiểu phẩm "Khát vọng” của đội huyện Trấn Yên; tiểu phẩm "Sản phẩm đạt chuẩn” của đội thành phố Yên Bái hay tiểu phẩm "Chả phải đi đâu xa” của đội huyện Yên Bình…
Các tiểu phẩm là những câu chuyện mang đậm hơi thở cuộc sống thường nhật ở mỗi vùng thôn quê, nhắc nhở mọi người hãy là những người tiêu dùng thông thái để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và xã hội; đồng thời, bày tỏ tâm tư nguyện vọng, thực trạng cuộc sống của bà con ngày càng được quan tâm, được đầu tư phát triển cả vật chất và tinh thần.
Sau những phần tranh tài căng thẳng, kịch tính, đội huyện Trấn Yên đã xuất sắc đoạt giải Nhất. Chị Nguyễn Thị Phương Đông - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Trấn Yên chia sẻ: "Ngay khi nhận được kế hoạch, đơn vị đã tham mưu với chính quyền huyện tổ chức thi ở 4 cụm, với 22 đơn vị xã, thị trấn tham gia. Sau đó, lựa chọn các thành viên dựa trên các tiêu chí về sở trường, năng khiếu, kiến thức chung và lên kịch bản tham gia hội thi cấp tỉnh.
Tiểu phẩm "Khát vọng” tham gia Hội thi ở phần thi "Tài năng nông dân” nhằm tuyên truyền về những nỗ lực của nông dân trong việc áp dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Toàn đội chúng tôi đã rất tâm huyết, nỗ lực và đã giành được giải thưởng như kỳ vọng…”.
Với sự chuẩn bị chu đáo, các đội tham gia Hội thi lần này đều có những sáng tạo mới, đặc sắc trong các phần thi, đặc biệt là phần thi "Lời chào nông dân” và "Tài năng nông dân”. Ban Tổ chức đã trao các giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích cho các đội thi, đồng thời lựa chọn đội xuất sắc và các cá nhân tham gia Hội thi Nhà nông đua tài khu vực Tây Bắc được tổ chức tại tỉnh Lai Châu trong thời gian tới.
Ông Giàng A Câu - Chủ tịch HND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Hội thi cho biết: "Hội thi "Nhà nông đua tài" được Trung ương HND Việt Nam chỉ đạo và tổ chức 5 năm một lần. Đây vừa là phương thức để chuyển tải chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vừa là diễn đàn thiết thực để cán bộ, hội viên nông dân phát huy tính năng động, sáng tạo và tư duy đổi mới. Hội thi còn là nơi giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, tiếp cận và ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản. Đồng thời, tạo động lực thúc đẩy các phong trào nông dân; nâng cao vị trí, vai trò của tổ chức HND trong phát triển kinh tế - xã hội”.
Vũ Đồng