VÌ TƯƠNG LAI CỦA THẾ HỆ TRẺ
Xác định sức khỏe sinh sản (SKSS) có ý nghĩa quan trọng quyết định đến chất lượng dân số, vì vậy, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh luôn dành nhiều sự quan tâm tới công tác chăm sóc SKSS, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc SKSS, ngành y tế Yên Bái đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chăm sóc SKSS dưới nhiều hình thức nhất là các hoạt động truyền thông về SKSS cho đối tượng vị thành niên, thanh niên trong các nhà trường; chú trọng triển khai tuyên truyền trong cộng đồng thông qua hệ thống loa phát thanh, lồng ghép trong các buổi họp thôn, bản, tổ dân phố; phát huy tốt hiệu quả các mô hình phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các câu lạc bộ tư vấn SKSS…
6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức trên 1.000 buổi truyền thông về SKSS lồng ghép trong các buổi họp, hội nghị, các buổi truyền thông nhóm, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ; cấp phát gần 3.400 tờ rơi, sách mỏng, băng đĩa về SKSS, dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Là đơn vị có chức năng tiếp nhận, khám bệnh, chữa bệnh chuyên về phụ, sản, nhi, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ về lĩnh vực phụ, sản, nhi cho các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới, triển khai các hoạt động dự phòng về lĩnh vực SKSS tại cộng đồng, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Yên Bái đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động chăm sóc SKSS trong toàn tỉnh.
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Hiển - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Yên Bái cho biết: "Hàng năm, Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động chăm sóc SKSS cho các trung tâm y tế; thực hiện đầy đủ cấp phát viên đa vi chất, tài liệu truyền thông, các vật tư khác của chương trình chăm sóc SKSS cho phụ nữ mang thai trên địa bàn tỉnh; tổ chức nhiều lớp học trực tuyến, hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa, các chuyên đề chuyên môn với các bệnh viện tuyến trung ương thuộc lĩnh vực sản - phụ - nhi khoa. Thời gian qua, chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, công tác chăm sóc SKSS bị ảnh hưởng, nhiều bệnh nhân không đi khám thai ở các trạm y tế. Khắc phục khó khăn này, các y bác sĩ tuyến cơ sở đã đến khám và tư vấn cho phụ nữ có thai tại nhà nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nhờ đó, tỷ lệ sinh con tại nhà giảm, phụ nữ được khám thai đủ 4 lần trong thai kỳ tăng trên 70%”.
Bên cạnh đó, nhân viên y tế, cán bộ dân số từ tuyến tỉnh đến cơ sở thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, áp dụng các kỹ thuật mới thuộc lĩnh vực SKSS, kỹ năng tuyên truyền, kiến thức về dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Các cơ sở y tế, mạng lưới chăm sóc SKSS cũng được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, thuốc thiết yếu về SKSS.
Qua đó, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế, được tư vấn tốt nhất, xóa dần khoảng cách chênh lệch nhận thức về SKSS giữa các vùng miền. Với đội ngũ y, bác sĩ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm, Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái thu được nhiều kết quả tích cực trong công tác chăm sóc SKSS.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái cho biết: "Để làm tốt công tác chăm sóc SKSS, Trung tâm chú trọng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, y bác sĩ đi đôi với nâng cấp, mở rộng các dịch vụ chăm sóc SKSS. Trung tâm có đầy đủ những thiết bị hiện đại phục vụ công tác chăm sóc SKSS như siêu âm đầu dò, hệ thống phẫu thuật hiện đại điều trị các bệnh liên quan đến SKSS... Chúng tôi rất vui khi nhận được nhiều phản hồi tích cực, hài lòng về các dịch vụ chăm sóc SKSS của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân".
Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp Yên Bái đã và đang từng bước cải thiện SKSS cho nhân dân, nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
6 tháng đầu năm 2022, Yên Bái có 11.150 phụ nữ mang thai, trên 16.700 lượt khám thai, gần 3.500 phụ nữ được khám khai từ 4 lần trở lên trong thai kỳ; gần 5.000 phụ nữ sinh con; trong đó, chăm sóc sau sinh tại nhà tuần đầu là trên 3.300 phụ nữ, từ tuần 2 - 6 là trên 4.200 phụ nữ; trên 5.500 người mới thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại; khám phụ khoa cho trên 35.500 người, điều trị phụ khoa cho gần 15.000 người.
|
Lê Thương
CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TOÀN XÃ HỘI
Những năm qua, Yên Bái luôn chú trọng quan tâm, bảo vệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và thực hiện tốt những chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi (NCT). Qua đó, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, góp phần động viên tinh thần sống vui, sống khỏe, tạo điều kiện để NCT phát huy vai trò trong gia đình, xã hội.
Yên Bái hiện có 89.510 NCT; 100% các xã, phường, thị trấn đã có tổ chức hội NCT với 1.387 chi, tổ hội và gần 85.000 hội viên tham gia. Hàng năm, các cấp Hội NCT đã tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCT như: quan tâm chăm sóc sức khỏe NCT; tổ chức lễ mừng thọ, chúc thọ các cụ có độ tuổi từ 70 đến trên 100 tuổi; thăm hỏi, tặng quà NCT có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa…
Người cao tuổi trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm chăm sóc sức khỏe thường xuyên.
Ông Hoàng Đức Quế - Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh cho biết: "Ban đại diện Hội NCT tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp hội bám sát chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với NCT. Chủ động rà soát, cập nhật chính xác, đầy đủ những đối tượng ở cơ sở đủ điều kiện để hưởng trợ cấp xã hội, những người nghèo, cô đơn, không nơi nương tựa… Hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền về phong trào "Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò NCT”; "Tháng hành động vì NCT Việt Nam”; vận động hội viên, người dân tham gia cùng các cấp, ngành thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, phụng dưỡng, bảo vệ NCT với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực”.
Đối với công tác chăm sóc sức khỏe NCT, ngành y tế tỉnh duy trì thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 9/2/2021 của UBND tỉnh về chương trình chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030. Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 38.409 NCT được khám sức khỏe định kỳ, đạt tỷ lệ 42,9%.
Các cơ sở y tế triển khai thực hiện nhiều hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe cho NCT qua nhiều hình thức khác nhau: lồng ghép tuyên truyền nội dung chăm sóc sức khỏe NCT vào hoạt động truyền thông chung về dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) thông qua các kênh truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng.
Hiện tổ chức được 156 buổi sinh hoạt câu lạc bộ NCT với 1.632 người tham dự; thực hiện 7 buổi hội nghị, hội thảo với 195 NCT tham gia; 85 bản tin được phát trên đài truyền thanh huyện, xã.
Bên cạnh đó, ngành y tế tổ chức khám, lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí, kiểm tra sức khỏe định kỳ, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho NCT; tăng cường truyền thông, tư vấn, hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khỏe cho NCT và gia đình.
Đối với các cấp Hội NCT cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, duy trì nề nếp sinh hoạt ở các cấp hội; tuyên truyền, vận động NCT hưởng ứng tham gia các giải thể thao, hội thi, hội diễn văn nghệ do Hội NCT huyện, tỉnh và các sở, ngành tổ chức, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần.
Bà Phạm Thị Thuận, 67 tuổi ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Tôi thường xuyên được các cấp Hội NCT và chính quyền địa phương quan tâm động viên, thăm hỏi vào dịp lễ, tết; được cấp thẻ bảo hiểm y tế khám, điều trị bệnh tại cơ sở y tế được chăm sóc tận tình, hưởng nhiều chế độ ưu tiên của NCT. Ngoài ra, tôi còn tham gia nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao do các cấp Hội NCT tổ chức để giao lưu, rèn luyện sức khỏe cùng các hội viên, bạn bè”.
Việc chăm sóc, phụng dưỡng NCT là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội; đồng thời, thể hiện truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, góp phần tạo động lực giúp NCT luôn sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và cộng đồng.
Bùi Minh
KHI NAM GIỚI CHIA SẺ TRÁCH NHIỆM
Theo quan niệm truyền thống, việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và nuôi dạy con cái gần như mặc nhiên được coi là trách nhiệm của người phụ nữ. Nhưng trong xã hội hiện đại, ngày càng có đông nam giới tham gia thực hiện và chia sẻ trách nhiệm với phụ nữ trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Đôn ở tổ 5, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái ở riêng ngay từ khi lập gia đình. Sau những giờ lao động vất vả, về đến nhà là anh lại xắn tay cùng vợ nấu cơm, dọn nhà, chăm sóc con… Gia đình nhỏ của anh luôn đầm ấm, hạnh phúc cũng nhờ sự san sẻ công việc và trách nhiệm cùng nhau như thế.
Ngày càng có nhiều nam giới tham gia chia sẻ công việc gia đình.
Anh Đôn chia sẻ: "Tuy tôi là con trai duy nhất trong gia đình, vợ tôi đẻ 2 con gái nhưng vợ chồng tôi đã thống nhất sẽ không sinh thêm; đồng thời, bản thân tôi cũng chủ động làm công tác tư tưởng với ông bà nội. Với tôi, đã là một gia đình thì chồng hay vợ đều phải có trách nhiệm như nhau trong việc sinh con, nuôi con và cả việc nhà”.
Trong xã hội ngày nay, không quá khó để bắt gặp những gia đình như gia đình anh Đôn, nhất là ở những gia đình trẻ. Hình ảnh của người cha, người chồng không còn quá "nhạt nhòa” như trước mà trái lại đã luôn song hành cùng người mẹ, người vợ trong bất cứ công việc từ lớn đến nhỏ của gia đình.
Không chỉ ở thành phố, trong những năm gần đây, công tác truyền thông đã được đẩy mạnh, tăng cường đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng cao để cung cấp thông tin, nội dung về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai, sức khỏe bà mẹ, trẻ em...
Nhiều chị em ở khu vực nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi mang thai không phải làm nhiều việc như trước đây, có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, ăn uống đủ chất và đi khám thai đều đặn, đầy đủ.
Chị Sùng Thị Máy - Trưởng phòng Phòng Dân số, Truyền thông và Giáo dục sức khỏe huyện Mù Cang Chải cho biết: "Chị em người dân tộc thiểu số bây giờ đã được chồng lo lắng, chia sẻ, quan tâm chăm sóc nhiều hơn nên họ cảm thấy hạnh phúc và yên tâm chuẩn bị cho kỳ sinh nở một cách tốt nhất. Nhiều gia đình đã quan tâm đến phương pháp sàng lọc trước sinh và sơ sinh với 1.089 người sàng lọc trước sinh và 106 trẻ được sàng lọc sơ sinh trong năm 2021. Năm qua, ngành dân số huyện cũng đã tuyên truyền, vận động trên 2.400 người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, nâng tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại toàn huyện lên 69%. Tất cả đã góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện”.
Có thể thấy, ngày càng có nhiều nam giới nhận thức đúng đắn hơn, rõ ràng hơn, đầy đủ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện KHHGĐ. Trách nhiệm chia sẻ của nam giới với nữ giới trong thực hiện KHHGĐ là việc nam giới sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại nhằm đảm bảo không để có thai ngoài ý muốn, hạn chế hoặc giãn khoảng cách sinh con của vợ chồng.
Cùng đó, nam giới cần thực hiện trách nhiệm chăm sóc, giữ gìn sức khỏe cho người phụ nữ khi họ mang thai và sau sinh.
Theo thống kê của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã cung cấp 2.100 dụng cụ tử cung, 82.000 chiếc bao cao su, 92.000 vỉ viên uống tránh thai... Khuyến khích nam giới tham gia chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ là một trong những chiến lược của công tác dân số.
Để đảm bảo bình đẳng giới và phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của nam giới trong việc thực hiện KHHGĐ cần có sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức đoàn thể; cần tập trung tuyên truyền, tư vấn cho nam giới nhiều hơn nữa về thay đổi tư tưởng thích sinh đông con, muốn có con trai; khuyến khích nam giới chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đảm bảo quan hệ tình dục an toàn; cho nam giới cơ hội thể hiện vai trò của mình trong việc chăm sóc và nuôi dạy con cái nên người... Có như vậy mới đảm bảo được tính bền vững trong công tác dân số thời kỳ mới.
Hoài Anh
TỰ TIN BƯỚC VÀO "CÁNH CỬA" HÔN NHÂN
Trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân, việc kiểm tra, đánh giá tổng quát sức khỏe mang lại nhiều lợi ích. Song, nhiều bạn trẻ còn thiếu hiểu biết, xem nhẹ hoặc chưa vượt qua được mặc cảm, sự e ngại trong việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Do đó, tỉnh Yên Bái đã triển khai mô hình "Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” từ năm 2010. Mô hình đã giúp các bạn trẻ nhận thức rõ hơn về sự quan trọng, cần thiết của việc chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân.
Giữa tháng 7, chị Nguyễn Hà Phương và anh Lê Hữu Quyết, tổ 4, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái sẽ kết hôn. Thời gian này, cả 2 khá bận rộn với việc chuẩn bị cho lễ cưới, nhưng việc khám sức khỏe đã được 2 anh chị lên kế hoạch và chọn bệnh viện tư vấn, thăm khám trước khi về chung một nhà.
Chị Nguyễn Hà Phương tâm sự: "Từ ngày còn học cấp 3, mình đã tham gia vào nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa của nhà trường về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS). Trong những buổi sinh hoạt như vậy, mình được tuyên truyền về vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ giúp mình và bạn đời hiểu rõ tình trạng sức khỏe mà còn trang bị kiến thức để chăm sóc nhau tốt hơn trong cuộc sống. Nếu biết trước tình trạng sức khỏe của bố mẹ thì có thể tiên lượng và phòng tránh một số bệnh cho con”.
Cũng giống chị Phương, chị Hoàng Thị Hạnh ở thôn Núi Vì, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên chuẩn bị lập gia đình. Chị Hạnh được cán bộ y tế xã vận động tham gia Câu lạc bộ (CLB) "Tiền hôn nhân” của xã.
Chị Hoàng Thị Hạnh chia sẻ: "Qua các buổi sinh hoạt CLB, tôi có thêm nhiều kiến thức về chăm sóc SKSS và sự cần thiết của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Do đó, khi chuẩn bị kết hôn, tôi đã chủ động đề nghị bạn trai cùng đến cơ sở y tế để nghe tư vấn, khám và được anh đồng ý. Qua kiểm tra, sức khỏe của cả hai đều khỏe mạnh, chúng tôi yên tâm, hạnh phúc bước vào cánh cửa hôn nhân”.
Mô hình "Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” được Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Yên Bái triển khai ở 173 xã, phường, thị trấn và các trường học nhằm cung cấp kiến thức về chăm sóc SKSS, tâm sinh lý lứa tuổi cho vị thành niên, thanh niên trên địa bàn, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.
Triển khai mô hình, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã chỉ đạo trung tâm DS-KHHGĐ 9/9 huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các trạm y tế phối hợp với các tổ chức đoàn thể thành lập CLB "Tiền hôn nhân” làm nơi tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Trong 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, tổ chức tư vấn sức khỏe cho 833 người trước khi kết hôn (chiếm 52,1% chỉ tiêu kế hoạch năm); duy trì sinh hoạt tại 57 CLB "Tiền hôn nhân” tại 9/9 huyện, thị, thành phố với 1.628 người tham gia; tổ chức 10 buổi hội thảo, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc SKSS, kiến thức cơ bản về luật pháp liên quan đến hôn nhân, gia đình, kỹ năng sống cho 197 người; cung cấp 751 tờ rơi, sách mỏng, cẩm nang cho các đối tượng trên địa bàn; tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa tại 8 trường THPT.
Tuy nhiên, tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân ở các địa phương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như: đoàn viên, thanh niên còn e ngại chia sẻ chuyện "khó nói” với người khác nên khi sinh hoạt CLB chưa trải lòng để hỏi những vấn đề thắc mắc, ngại đến các cơ sở y tế để khám sức khỏe.
Mặt khác, công tác kết nối giữa tuyên truyền, vận động, tư vấn, khám với điều trị tại các cơ sở y tế khi phát hiện tình trạng sức khỏe bệnh lý chưa được coi trọng; thiếu kinh phí, thiếu sự hợp tác đồng bộ của chính quyền, cơ sở y tế, nhà trường và đoàn thể tại địa phương.
Việc tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân không mang tính bắt buộc mà dựa theo tinh thần tự nguyện của mỗi người… Thế nên, để nâng cao chất lượng dân số, Chi cục DS-KHHGD tỉnh tiếp tục nhân rộng, duy trì mô hình "Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” để thanh thiếu niên có cơ hội tiếp cận kiến thức về chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân.
Ngoài ra, để triển khai mô hình có hiệu quả rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền, đoàn thể, nhà trường và gia đình trong việc tuyên truyền, vận động kết hợp với giáo dục một cách thường xuyên, liên tục và kiên trì, sự phối hợp của các cơ sở y tế trong việc hướng dẫn và định hướng khám sức khỏe nhằm phát huy hiệu quả cao nhất cho tương lai của giống nòi Việt.
Thu Hiền