Làm công nhân may Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF tại thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, chị Bùi Bích Phương, 37 tuổi đã có nhiều năm gắn bó với công việc này. Chị Phương là mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ và mọi chi tiêu đều trông vào đồng lương của chị. Với mức lương cơ bản trên 4 triệu đồng/tháng, để có thêm thu nhập, chị chọn cách tăng ca để trang trải cuộc sống.
Chị Phương chia sẻ: "Tôi muốn tăng ca để có thêm tiền, dù vất vả. Cứ nghĩ đến tiền học của con, tiền sinh hoạt, khiến tôi phải tiếp tục cố gắng”. Hiện, Công ty TNHH Quốc tế Vina KNF - nơi chị Phương làm việc có gần 2.000 công nhân, chủ yếu là lao động nữ trẻ, nên không chỉ lãnh đạo Công ty mà công nhân đều muốn tăng ca để có được mức thu nhập tốt hơn đủ trang trải cho cuộc sống.
Trường hợp anh Dương Trí Dũng là công nhân tại Nhà máy Gia công giấy xuất khẩu Nguyễn Phúc thuộc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái ở phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái đã làm công việc công ty này hơn 10 năm. Anh Dũng cho biết, tùy từng bộ phận công việc mà lương của công nhân cũng khác nhau.
Hiện, mức lương cơ bản của anh là trên 4,3 triệu đồng. Mặc dù mức lương đã được điều chỉnh nhưng với anh, nếu không tăng ca thì số tiền ấy không đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Vì vậy, anh rất muốn tăng ca.
Mỗi ngày công nhân tại Công ty có thể tăng ca từ 2 - 4 giờ, Chủ nhật làm thêm nhận 200% lương. Với chế độ lương tăng ca như vậy, dù tương đối mệt, nhưng không chỉ anh Dũng mà rất nhiều anh chị em công nhân đều tình nguyện làm thêm giờ.
Anh Dũng cho biết: "Nếu không tăng ca mà cộng các chế độ phụ cấp như: chuyên cần, thâm niên… thì lương cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng, nên không đủ tiêu. Nếu tăng ca thì thu nhập được khoảng 7 triệu đồng/tháng. Bây giờ các mặt hàng tiêu dùng đều tăng giá, nên phải làm thêm thì mới đủ chi tiêu các khoản cần thiết trong cuộc sống”.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động. Nghị định này quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động. Khi Nghị định được ban hành, công nhân, NLĐ trên địa bàn tỉnh cho rằng, mức tăng này còn thấp so với kỳ vọng.
Với mức lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6%, mức lương sẽ tăng thêm 180.000 - 260.000 đồng/tháng cho mỗi vùng được thực hiện từ 1/7/2022. Tại Yên Bái có 2 vùng, vùng III có địa phương là thành phố Yên Bái mức lương tối thiểu 3.640.000 đồng/tháng; vùng IV có 8 địa phương trên địa bàn tỉnh với mức lương tối thiểu 3.250.000 đồng. Ngoài ra, tại Yên Bái, tiền lương bình quân năm 2021 của công nhân trong các doanh nghiệp (DN) là 4 triệu đồng/người/tháng.
Trong bối cảnh tiền lương tối thiểu thấp, hầu hết DN lại đang áp dụng mức bằng hoặc cao hơn không nhiều nên để bảo đảm cuộc sống, công nhân, NLĐ phải tranh thủ thời gian, sức khỏe cho những giờ tăng ca.
Thế nhưng, giữa tình hình giá cả tăng cao như hiện nay, chưa kể đến chi phí phát sinh, rủi ro bất ngờ như bệnh tật, tai nạn thì NLĐ đang phải chật vật chi tiêu hằng ngày với đồng lương eo hẹp. Do đó, tăng ca chính là phao cứu sinh với họ. Công nhân không có lựa chọn nào khác để tăng thu nhập ngoài làm thêm giờ, bởi từ lâu, lương tối thiểu không theo kịp mức sống của NLĐ.
Bà Đinh Thị Hồng Lan - Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh cho biết: trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 2.235 DN lớn, nhỏ đang hoạt động. Tùy vào tính chất công việc, quy mô DN, hiệu suất làm việc, khối lượng công việc mà DN tự điều chỉnh giờ làm việc tăng ca phù hợp cho công nhân. Tăng ca cũng tùy vào thời điểm, tùy DN, chứ không phải NLĐ muốn tăng ca là được.
Trong thời điểm vật giá leo thang như hiện nay, Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh đã tích cực thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động về việc làm, tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi, phụ cấp độc hại, phụ cấp ăn trưa, tối, tăng ca để hỗ trợ NLĐ trên địa bàn phần nào vượt qua khó khăn.
Thu Hiền