BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, trung tâm vừa mới tiếp nhận nữ bệnh nhân 20 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não lan tỏa tất cả các vị trí, tổn thương gan… Nguyên nhân được xác định do bệnh nhân ngộ độc một chất ma túy thế hệ mới có trong thuốc lá điện tử.
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, các ca ngộ độc thuốc lá điện tử đã và đang điều trị tại trung tâm đều bị rối loạn tâm thần, ảo giác, suy đa tạng... Đối tượng sử dụng hầu hết là người trẻ, độ tuổi 20 và có những trường hợp là học sinh THPT.
Theo BS Nguyên, các ca ngất xỉu, vật vã, kích thích sau khi hút thuốc lá điện tử điều trị tại Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) và nhiều cơ sở y tế trên cả nước đang gặp phải trong thời gian qua phần lớn là do ngộ độc ma túy.
Tuy nhiên, do các chất ma túy tổng hợp hiện nay được pha trộn, làm mới liên tục, thậm chí thay đổi theo sở thích của người dùng nên việc xét nghiệm để tìm ra chất ma túy mới là vô cùng khó khăn.
Khoảng 10 năm trở lại đây, để thu hút người dùng, ngành công nghiệp thuốc lá đã nghiên cứu và dần chuyển đổi từ sản xuất thuốc lá truyền thống sang sản xuất thuốc lá điện tử, shisha, thuốc lá nung nóng… với tên gọi chung là thuốc lá thế hệ mới.
Rất nhiều quảng cáo được đưa ra gây hiểu lầm rằng thuốc lá thế hệ mới, cụ thể là thuốc lá điện tử ít độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống, thậm chí có thể được sử dụng như một phương pháp giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên, trên thực tế, nó không những có tác hại như thuốc lá truyền thống mà còn có nguy cơ gây tác động xấu tới xã hội, môi trường như có thể gây cháy nổ, tai nạn cho người sử dụng do dụng cụ hút không bảo đảm an toàn, hoặc ngộ độc do sử dụng nguyên liệu kém chất lượng.
Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang gia tăng nhanh chóng. Năm 2015 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử mới chỉ là 0,2% thì đến năm 2019, Điều tra sức khoẻ học sinh toàn cầu của WHO tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,4%. Vì suy nghĩ thiên lệch các bạn trẻ cho rằng hút thuốc là cách thức khẳng định sự chín chắn, trưởng thành và thể hiện được cá tính của bản thân, nhưng cũng có bạn vì đua đòi và học theo bạn bè, vì tò mò và cũng có bạn tìm đến thuốc lá như một biện pháp giải bớt căng thẳng, hút dần thành quen và dẫn đến nghiện.
Tại Hà Nội, nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, trong đó học sinh lớp 8 - 12 là 8,35%; lớp 10 - 12 là 12,6%; với nữ là 4,8%, nam là 12,4%.
Trước thực trạng thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào các trường học trên cả nước, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh, đồng thời, gây ra các hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế - xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo các Sở GD&ĐT, các đơn vị giáo dục tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm thuốc lá thế hệ mới, xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ sở giáo dục; tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá tới học sinh các cấp; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá, thuốc lá điên tử, thuốc lá nung nóng, shisha tại các cơ sở giáo dục.
Để phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử đối với học sinh, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ tư vấn tâm lý học đường, phát huy tinh thần, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc nắm bắt tâm lý, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, ngăn chặn hành vi hút thuốc lá điện tử của học sinh, đồng thời phối hợp giáo dục, định hướng các em nhận thức được tác hại đối với sức khỏe và tương lai, từ đó các em thay đổi hành vi theo những chuẩn mực tốt đẹp.
Ngoài ra, để tiếp tục đẩy lùi tình trạng hút thuốc lá trong lứa tuổi học đường, các trường học cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức về Luật và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thực hiện nghiêm Điều 11, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, triển khai thực hiện môi trường không khói thuốc và có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm quy định.
(Theo dangcongsan.vn)