Chị Kim Thanh (Tây Hồ, Hà Nội), từng là nhân viên kinh doanh của một DN phân phối thiết bị vệ sinh. Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh thu của công ty giảm, thu nhập thấp nên chị xin nghỉ làm. Khi đi làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ BHTN, chị đăng ký học nghề pha chế đồ uống. Hai tháng trước, tôi đã đi tìm địa điểm ở khu vực phố đi bộ Trịnh Công Sơn mở quán bán nước ép trái cây để chuyển đổi công việc….
Cũng như chị Thanh, một số học viên đang theo học các lớp pha chế đồ uống tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho biết có ý định kinh doanh đồ uống online, mở quán hàng tại nhà hoặc thuê cửa hàng. Vì thế, các học viên mong được Trung tâm và giáo viên tư vấn chọn địa điểm, tính toán chi phí mở quán, quảng bá hình ảnh tới khách hàng.
Chị Mỹ (Hà Đông, Hà Nội) từng làm việc tại công ty dược nhưng dịch bệnh khó khăn nên đã xin nghỉ làm. Sauk hi hưởng bảo hiểm thất nghiệp lần thứ hai, chị đăng ký học nghề Kỹ thuật chế biến món ăn. Học xong, chị được thầy giáo giới thiệu vào làm phụ bếp tại nhà hàng chay trên địa bàn quận Cầu Giấy, với mức thu nhập 8 triệu đồng/tháng, được bao 2 bữa ăn trưa và tối. "Công việc tuy nhiều nhưng tôi rất vui vì có việc làm, thu nhập, môi trường làm việc hòa đồng, mọi người quan tâm, yêu mến nhau.", chị Mỹ cho biết.
Chị Thanh, chị Mỹ là hai trong số rất nhiều người lao động thất nghiệp đã chọn học nghề để chuyển đổi việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. Từ tháng 3/2022, ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, Trung tâm DVVL Hà Nội đã tổ chức các lớp học nghề cho đối tượng NLĐ thất nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Trung tâm đã tiếp nhận gần 53.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Và có khoảng 1.200 NLĐ nộp hồ sơ để hưởng quyền lợi học nghề dành cho lao động thất nghiệp từ chính sách BHTN. Tại Trung tâm DVVL Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay có 671 NLĐ đăng ký học nghề.
Theo Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động hưởng BHTN được tăng từ 1 triệu lên 1,5 triệu đồng/người/tháng. Các ngành nghề dành cho NLĐ đăng ký tham gia học rất đa dạng, gồm khoảng 20 nghề do Trung tâm và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP đã được cấp phép tổ chức đào tạo, để đáp ứng nhu cầu của NLĐ cũng như giảm thiểu thời gian đi lại của họ. Riêng Trung tâm DVVL Hà Nội được phép đào tạo 5 nghề: Kỹ thuật chế biến món ăn, Kỹ thuật pha chế đồ uống, Tin học văn phòng, May công nghiệp, Sửa chữa xe máy. Hiện nay, nghề Kỹ thuật pha chế đồ uống được nhiều NLĐ đăng ký học, tiếp đến là nghề Kỹ thuật chế biến món ăn, Lái xe, Làm bánh.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thanh Liễu cho biết, Trung tâm tổ chức đào tạo theo quy định của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về thời gian, tỷ lệ học lý thuyết - thực hành. Mức kinh phí hỗ trợ học nghề tăng lên là phù hợp với giá cả thị trường; đồng thời Trung tâm có điều kiện mua thêm nguyên vật liệu để học viên được thực hành nhiều lần hơn đảm bảo thuần thục. Ngoài ra, chương trình học nghề cũng được điều chỉnh với nội dung đa dạng hơn để hấp dẫn người học và phù hợp với thị trường.
Ngoài ra, Trung tâm DVVL Hà Nội còn gắn kết tạo việc làm cho học viên sau khi kết thúc khóa học. Cụ thể, tại những buổi lễ tốt nghiệp khóa học nghề, Trung tâm DVVL Hà Nội thường mời các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động làm ở vị trí gắn với nghề NLĐ đã học, để cung cấp thông tin về vị trí việc làm, mức lương và học viên có nhu cầu thì đăng ký.
Ngoài ra, cán bộ Trung tâm DVVL cũng sẽ tới lớp học để cung cấp thông tin thị trường lao động; thông báo về những phiên giao dịch việc làm giúp NLĐ đến tiếp cận nhiều DN và tham gia ứng tuyển, nhằm sớm quay trở lại thị trường lao động…
(Theo Dân sinh)