Con đường đất nhỏ dài cả cây số cuối cùng ở thôn Bản Hán nay đã được thay thế bằng con đường bê tông rộng 3 m sạch đẹp. Từ khi có chủ trương bê tông hóa đường giao thông, các hộ ở thôn Bản Hán hăng hái hiến đất, tự nguyện chặt bỏ cây trồng, tháo dỡ công trình trên đất, góp cả nghìn ngày công để mở rộng, nâng cấp tuyến đường. Ngay sau đó, người dân trong thôn còn tập trung đắp lề, trồng các lu hoa, lắp đường điện thắp sáng 2 bên hành lang đường, tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới cho thôn đặc biệt khó khăn này.
Ông Lò Văn Xôm - Bí thư Chi bộ Bản Hán cho biết: "Trên địa bàn thôn Bản Hán có điểm trường mầm non và tiểu học với gần 400 học sinh. Vì vậy, tuyến đường cuối cùng này được bê tông hóa trong niềm hân hoan của người dân. Có hệ thống đường bê tông, bọn trẻ đi học trời mưa đỡ vất vả hẳn. Chúng tôi cũng thuận lợi đi lại, giao thương, nhất là vào thời điểm thu hoạch, việc chuyên chở lúa, ngô từ đồng về nhà trước đây vất vả bao nhiêu thì giờ nhàn bấy nhiêu.
Năm nay, cũng là năm rất vui mừng với bà con thôn Bản Hán khi tới đây 1 chiếc cầu treo có kết cấu mặt đường bằng bê tông xi măng, rộng 6,5 m nối thôn Bản Muông - Bản Hán sẽ thay thế cho cầu cũ đang xuống cấp và sân thể thao của thôn rộng gần 2.000 m2, kênh mương nội đồng cũng sẽ được đầu tư xây dựng kiên cố. Chúng tôi rất ủng hộ và sẽ đồng hành cùng chính quyền để các công trình sớm được khởi công”.
Không chỉ ở thôn Bản Hán, riêng năm 2022 có gần 100 hộ trong xã hiến gần 5.000 m2 đất và 3.000 công để mở rộng và bê tông hóa 3,05 km đường giao thông ở 6 thôn với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ 850 triệu đồng; trong đó, huy động nhân dân đóng góp và các nguồn vốn hợp pháp khác là gần 950 triệu đồng. Nhờ đó, đến nay, 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường nội thị được nhựa hóa; 100% các tuyến đường ngõ xóm, trục chính nội đồng được bê tông hóa. So với năm 2010, khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã Phúc Sơn chỉ có tỉnh lộ 174 chạy qua được trải nhựa, còn lại là đường đất để thấy rằng, Phúc Sơn của hiện tại đã thay đổi đến nhường nào.
Cùng với hệ thống đường giao thông, hệ thống thủy lợi cũng được đầu tư xây dựng đã đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất và các quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ; 100% hộ dân được sử dụng lưới điện quốc gia; cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu của nhân dân; trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn đạt 99%.
Cuối năm 2022, xã Phúc Sơn tiếp tục được quan tâm, phê duyệt đầu tư xây dựng các công trình dự án: cầu treo Bản Muông - Bản Hán, cầu treo qua suối Huổi Lụng - Điệp Quang, sân thể thao ở 3 thâm: Bản Hán, Bản Muông, Bản Thón và kiên cố hệ thống mương nội đồng ở thôn Bản Hán, Bản Muông. Đây là các công trình thiết thực nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân.
Ông Lường Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn chia sẻ: hệ thống cơ sở hạ tầng từng bước được quan tâm hoàn thiện đã tạo nên một diện mạo khang trang cho Phúc Sơn, tạo đà cho địa phương phát triển về mọi mặt từ đời sống vật chất - tinh thần, công trình phúc lợi, giáo dục và đào tạo, đầu tư cho thế hệ tương lai càng được quan tâm. Năm 2023, xã tiếp tục đăng ký mở mới 2,85 km đường, phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân. Còn đối với các công trình dự án sẽ xây dựng trong năm tới, xã đang tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, nhanh chóng giải phóng mặt bằng để các công trình sớm được thi công. Về cơ bản, nhân dân đồng thuận cao và rất vui mừng khi các công trình được xây dựng.
Hoài Anh