Phát triển văn hóa chưa ngang tầm với phát triển kinh tế
Nghiên cứu tài liệu của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội rất vui khi thấy trong báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội có tới 27 dòng dành đề cập về văn hoá. Theo ông, điều này thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt đối với văn hoá như là hệ điều tiết đối với phát triển đất nước hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) cũng cho rằng song song với phát triển kinh tế, việc xây dựng và phát triển văn hóa đã được quan tâm hơn nhiều, thể hiện qua các chương trình triển khai Kết luận số 76 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tại các địa phương. Tuy nhiên, theo các đại biểu, nếu đặt "văn hóa” bên cạnh "kinh tế” sẽ thấy sự quan tâm, phát triển văn hóa là chưa tương xứng với phát triển kinh tế.
"Trong những năm qua, tôi thấy mức đầu tư cho văn hóa còn rất thấp, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Qua khảo sát và niên giám thống kê của một số tỉnh từ năm 2015 đến năm 2020, chưa có một tỉnh nào đạt mức đầu tư 1,8% tổng chi ngân sách địa phương cho văn hóa", đại biểu Hoàng Thị Đôi (Đoàn Sơn La) băn khoăn.
Theo các đại biểu, khó khăn về nguồn lực đầu tư đã ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp phát triển văn hóa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân nảy sinh yếu kém, bất cập trong ngành văn hóa. "Hiện nay, những người bảo quản di tích không được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ di tích. Từ đó dẫn tới hiện tượng, cứ thấy cái mới thì cho là đẹp hơn. Chẳng hạn, thấy một pho tượng long tróc hỏng sơn thì cho rằng đó là không tôn kính và không đẹp bằng cái sơn son thếp vàng. Thế là phá ngay lập tức và mới có câu chuyện di tích nghìn tuổi trở thành di tích 1 tuổi. Nguyên nhân là là do không được học”, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nêu dẫn chứng.
Cũng theo hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, do việc quan tâm phát triển văn hóa chưa đúng mức nên dẫn đến tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận người dân. "Gần đây có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra, tôi cho rằng có liên quan đến văn hóa. Ví dụ, vừa rồi có vụ việc nữ sinh lớp 12 mạt sát thầy giáo trên lớp, xưng mày - tao”, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nêu quan điểm.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn cũng chỉ ra những lộn xộn liên quan đến văn hóa, gây nhức nhối xã hội. Đó là sự lai căng, lệch chuẩn, sính ngoại, tuỳ tiện trong việc sử dụng ngôn ngữ. Điều này khiến ngôn ngữ của ta bị méo mó, đồng thời là nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp văn hoá và đạo đức xã hội. "Nhiều khi những nghệ sĩ có ảnh hưởng công chúng lại toàn nói enjoy cái moment này thì làm sao có thể giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt được! Chính vì vậy, chúng ta cần có những giải pháp quyết liệt hơn để trả lại sự trong sáng của tiếng Việt, từ đó mới giữ gìn, phát triển cho văn hoá”, ông Sơn nêu ý kiến.
Sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa
Từ thực tế nêu ra, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng với thế giới, việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam càng phải được coi trọng. Ông đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đối với ngành văn hóa. Trong đó, việc đào tạo nhân lực làm văn hóa phải được chú trọng. "Muốn bảo toàn được văn hóa vật thể, công trình kiến trúc nghệ thuật, di tích danh lam thắng cảnh duy tu, bảo tồn… thì phải có con người học thực, thi thực, nhân tài thực. Chứ không để tình trạng cán bộ làm ở ngành khác không tốt thì cho chuyển về làm văn hóa. Tức là coi văn hóa chỉ là để tuyên truyền thì không nên”, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nêu ý kiến.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng những vấn đề nhức nhối về văn hoá xảy ra thời gian qua, nhiều khi lại không phải nguyên do từ chính văn hoá, mà bắt nguồn từ chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế. Vì vậy, giải quyết vấn đề về văn hoá, đạo đức xã hội cần giải pháp tổng thể, cần sự chung tay chung sức của các cấp, các ngành, các địa phương, không chỉ để ngành văn hoá đơn thương, độc mã trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021 đã giúp chúng ta nhận thức rõ hơn, giờ là lúc chúng ta bắt tay hành động nhiều hơn. "Chúng ta đã có thành công nhờ đổi mới chính trị, đổi mới kinh tế, giờ đây là lúc chúng ta thực sự rất cần một cuộc đổi mới trong lĩnh vực văn hoá, biến văn hoá trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc, văn hóa là hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đề cập tồn tại trong lĩnh vực văn hóa thời gian qua có liên quan đến không gian mạng, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) còn đề xuất Quốc hội sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo trong Báo cáo của Chính phủ là phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế xã hội. Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, cần có môi trường pháp lý chặt chẽ nhằm quản lý các nền tảng mạng xã hội để người dùng được tiếp cận với những sản phẩm phù hợp với lứa tuổi và văn hóa, hạn chế và kiểm soát những video tài khoản đăng tải những nội dung xấu, độc… Có chế tài xử lý thích đáng và đủ sức răn đe với những trường hợp nghệ sĩ có phát ngôn, cư xử, lối sống không phù hợp, không lành mạnh, làm ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống của giới trẻ.
(Theo VOV)