Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chính sách nhằm hỗ trợ người thất nghiệp để thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi bị mất thu nhập do thất nghiệp. Quan trọng hơn, BHTN sẽ hỗ trợ người thất nghiệp được học nghề miễn phí, tìm việc làm để sớm có việc làm, thu nhập và ổn định cuộc sống. Thế nhưng, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Yên Bái NLĐ thất nghiệp không mấy mặn mà với việc học nghề.
Anh Hoàng Xuân Quỳnh, thôn Cống Đá, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái làm việc tại một siêu thị điện máy trên địa bàn. Từ đầu năm 2022, siêu thị nơi anh Quỳnh làm việc đã thu gọn quy mô kinh doanh do vắng khách, anh nghỉ việc.
Anh Quỳnh đến Trung tâm DVVL tỉnh để làm hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, anh cũng được cán bộ Trung tâm DVVL tư vấn một số nghề được hỗ trợ học miễn phí. Anh Hoàng Xuân Quỳnh cho biết: "Danh mục nghề ít, lại không có nghề nào phù hợp với bản thân, nên tôi không lựa chọn học nghề miễn phí. Tôi đã có nghề điện, túc tắc làm tự do để chờ chỗ làm mới”.
Trong 3 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, NLĐ mất việc đăng ký hưởng BHTN trên địa bàn tỉnh tăng cao. Theo thống kê tại Trung tâm DVVL tỉnh, năm 2022 đã có 3.245 lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp và trong số hàng nghìn người đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, cũng như xin được tư vấn giới thiệu việc làm, thì chỉ có 10 người đăng ký học nghề miễn phí.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội về BHTN, NLĐ thất nghiệp trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề sơ cấp, chi phí học nghề do quỹ BHTN chi trả trực tiếp cho đơn vị dạy nghề. Hầu hết NLĐ đến Trung tâm DVVL tỉnh nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được cán bộ của Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề miễn phí.
Tuy nhiên, trên thực tế, số NLĐ hằng năm đăng ký học nghề rất thấp. Sở dĩ có thực trạng trên là do người thất nghiệp phần đông là NLĐ phổ thông, đời sống vốn khó khăn, nên khi bị mất việc, họ chỉ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, hoặc tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
Không chỉ vậy, NLĐ ở các ngành may mặc, xây dựng... chiếm phần lớn, nên quá trình đi làm đã có tay nghề nhờ được đào tạo tại doanh nghiệp, nên dù bị thất nghiệp, họ vẫn có cơ hội tìm được việc làm mới và không muốn học nghề khác. Ngoài ra, nguyên nhân khiến NLĐ không muốn học nghề sau khi thất nghiệp là bởi mức hỗ trợ học nghề còn thấp, thời gian thụ hưởng ngắn và danh mục nghề nghiệp chưa đa dạng. Tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg về Quy định mức hỗ trợ học nghề đối với lao động tham gia BHTN.
Theo đó, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng thì mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng, thời gian học không quá 6 tháng. Như vậy, mức hỗ trợ theo Quyết định số 17 của Thủ tướng Chính phủ đã tăng so với mức hỗ trợ trước đó 500.000 đồng/người/tháng. Tuy đã có sự điều chỉnh nhưng đây vẫn là mức hỗ trợ thấp so với thực tế. Với mức hỗ trợ này, NLĐ cũng không thể học những ngành nghề trình độ trung cấp trở lên, những nghề chất lượng cao, có tính thu hút lớn.
Nhằm tạo điều kiện cho NLĐ hiểu đúng và đủ về chính sách BHTN, Trung tâm DVVL tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tư vấn trực tiếp tại nơi đăng ký BHTN để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động thất nghiệp đăng ký tìm việc và học nghề. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức về những điểm mới trong quy định về dạy nghề cho người thất nghiệp đến tận các doanh nghiệp và NLĐ.
Trung tâm cũng chủ động liên kết với các cơ sở dạy nghề có uy tín nhằm tổ chức các lớp dạy nghề phong phú, phù hợp với nhu cầu học nghề của NLĐ và các doanh nghiệp. Nhưng, quan trọng hơn, mỗi NLĐ cần chủ động tận dụng cơ hội này để học một nghề phù hợp với bản thân, trước khi quay trở lại tham gia vào thị trường lao động.
Thu Hiền