Chiều 29/12, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, Bộ Nội vụ cho biết năm qua đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối trung gian.
63 tỉnh, thành phố giảm 2.159 tổ chức phòng và tương đương
Kết quả, ở Bộ, ngành giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc Bộ, giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc Bộ. Điển hình là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế.
Ở địa phương, tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Các tỉnh có kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tốt nhất là: Ninh Thuận, Bình Phước, Cao Bằng, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Hậu Giang, Kiên Giang, Sơn La, Quảng Nam, Long An.
Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị định số 107/2020, Nghị định số 108/2020 của Chính phủ.
Ngoài ra, đến nay cả nước giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Riêng năm 2022, các Bộ, ngành đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành. Ở địa phương giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập.
Điển hình trong sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập là các địa phương: Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu, Quảng Trị, Cao Bằng, Vĩnh Long, Phú Yên, Quảng Ngãi, Thái Bình.
"Các tổ chức bên trong của Bộ, ngành và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh bước đầu đã được sắp xếp thu gọn, góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ quản lý nhà nước. Theo đó, các Bộ, ngành có điều kiện tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đối với ngành", Bộ Nội vụ thông tin.
Thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương
Về tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện các quy định của Bộ Chính trị về quản lý biên chế.
Đến nay, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế ở các Bộ, ngành, địa phương trên 79.000 người; trong đó, các Bộ, ngành trên 5.500 người và địa phương trên 73.500 người. Điển hình là các tỉnh: Thanh Hóa (4.615); Quảng Nam (3.148); Nghệ An (3.011); Lạng Sơn (2.898); Bình Phước (2.648).
Bộ Nội vụ khẳng định, công tác quản lý biên chế và tinh giản biên chế luôn bám sát theo yêu cầu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế bảo đảm thống nhất trong hệ thống chính trị.
Theo đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế công chức của cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của Bộ, ngành, biên chế của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, biên chế hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương cho cả giai đoạn 2022-2026. Năm 2022, tổng biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước là hơn 1.998.000 biên chế.
Đồng thời, tham mưu Chính phủ trình cấp có thẩm quyền bổ sung 65.980 biên chế viên chức giáo dục cho cả giai đoạn 2022-2026.
Giai đoạn 2020-2022, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng hơn 18.800 công chức và hơn 125.100 viên chức. Trong đó, tuyển dụng được 258 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
"Kết quả tuyển dụng đã cơ bản kịp thời khắc phục tình trạng gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc", Bộ Nội vụ thông tin.
Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và giai đoạn 2023-2025, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền lộ trình triển khai thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Trọng dụng nhân tài và khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định năm 2023 sẽ ưu tiên đầu tư toàn diện cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ. Đặc biệt là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả về tổ chức bộ máy, biên chế; công vụ, công chức; xây dựng chính quyền địa phương, tập trung cho cấp xã, xây dựng chính quyền đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu kiến tạo, phát triển.
Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, cơ bản hoàn thiện mô hình chế độ công vụ theo vị trí việc làm. Thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ.
Bộ Nội vụ cũng sẽ rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Người đứng đầu Bộ Nội vụ nhấn mạnh đến việc đổi mới công tác quản lý đội ngũ từ khâu tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, bố trí cán bộ, công chức, viên chức cho đến khâu đánh giá, nhận xét, xếp loại để xây dựng môi trường làm việc năng động, công bằng, dân chủ, thân thiện.
Nâng cao chất lượng đội ngũ gắn với cải cách chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi, tổ chức lao động khoa học để bảo đảm sức khỏe cho người lao động.
"Quy định các chế độ, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay.
(Theo Dân trí)