Với mục tiêu giải quyết việc làm cho 19.500 lao động; tuyển mới đào tạo nghề cho 18.000 người (trong đó: cao đẳng 2.100 người; trung cấp 3.000 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 12.900 người); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67,4%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 36,6%; chuyển dịch cơ cấu lao động 7.000 người.
Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm so với năm trước 4,72% (trong đó, giảm 3,5% hộ nghèo; giảm 1,22% hộ cận nghèo), ngành LĐ,TB&XH xác định 5 nhiệm vụ chủ yếu đó là: thực hiện hiệu quả một số chính sách thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khuyến khích chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; chú trọng công tác hướng nghiệp, thực hiện phân luồng, liên thông trong giáo dục, đào tạo.
Tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2021; tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ; chăm sóc, bảo vệ trẻ em; thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân…
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, bên cạnh việc phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cán bộ, phòng chuyên môn chịu trách nhiệm thực hiện, ngành LĐ- TB&XH đã xây dựng và triển khai hệ thống giải pháp theo từng lĩnh vực như: lĩnh vực người có công, lĩnh vực trẻ em - bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội..., đặc biệt là lĩnh vực giảm nghèo - bảo trợ xã hội và lao động - việc làm - giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, lĩnh vực giảm nghèo - bảo trợ xã hội sẽ tập trung tham mưu thực hiện đồng bộ, hiệu quả nghị quyết của Trung ương và địa phương về giảm nghèo bền vững, đa chiều. Tập trung thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các chương trình, dự án, chính sách về giảm nghèo; ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo.
Tạo điều kiện để người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là tại các địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh...). Nâng cao vai trò, phát huy tính chủ động của địa phương, hạn chế tính ỷ lại, huy động được các nguồn lực tham gia thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tự trọng, chủ động vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả, đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội; dựa vào cộng đồng để tạo điều kiện, cơ hội cho các đối tượng yếu thể vượt qua hoàn cảnh, vươn lên hòa nhập cộng đồng...
Với lĩnh vực lao động - việc làm - giáo dục nghề nghiệp, ngành LĐ,TB&XH sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao trách nhiệm phối hợp của các cấp, ngành, địa phương trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo và các địa phương thực hiện phân luồng học sinh THCS, THPT tham gia học nghề ở các cấp trình độ.
Cùng với đó, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao đặc biệt ở ngành nghề trọng điểm đạt chuẩn cấp quốc gia, Asean, quốc tế, những ngành nghề tỉnh đang có nhu cầu sử dụng như nhóm ngành công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ; chú trọng tuyển sinh nhóm lao động trong độ tuổi từ 15-35 tuổi đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Rà soát nhu cầu việc làm, nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để cung ứng lao động, tư vấn và giải quyết việc làm cho người lao động phù hợp theo từng vùng, từng nhóm đối tượng.
Tăng cường giải ngân vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm cho vay tạo việc làm và xuất khẩu lao động; hỗ trợ việc làm với các đối tượng đặc thù như: người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn, lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn...
Với hệ thống giải pháp được triển khai, ngành LĐ,TB&XH Yên Bái quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của năm và cũng là cụ thể hóa chủ đề năm của tỉnh, góp phần duy trì phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Thành Trung