Yên Bái là một trong những tỉnh đi đầu trong việc quan tâm chỉ đạo triển khai xây dựng "trường học hạnh phúc”, "lớp học hạnh phúc” một cách đồng bộ, bài bản. Theo đó, ngành giáo dục và đào tạo tích cực chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện tốt quy tắc ứng xử; bổ sung 5 chuẩn mực về con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” trong bộ quy tắc ứng xử của mỗi nhà trường.
Các nhà trường cũng chủ động đổi mới phương pháp dạy học, chuyển từ định hướng nội dung sang định hướng phát triển năng lực, bảo đảm mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra đánh giá phù hợp năng lực, vì sự tiến bộ của học sinh, không yêu cầu học sinh phải ghi nhớ máy móc kiến thức và hạn chế tình trạng học thụ động, bệnh thành tích.
Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng môi trường giáo dục đảm bảo các tiêu chí "Trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện”; 100% trường THCS, THPT đã bố trí phòng tư vấn tâm lý học đường và phân công cán bộ, giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý cho học sinh.
Tất cả đã góp phần hình thành một diện mạo mới trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh: quy mô trường, lớp được tổ chức khoa học; cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, theo hướng hiện đại; môi trường sư phạm được cải thiện, sạch đẹp, an toàn; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng và sắp xếp hợp lý; chất lượng dạy học được nâng cao… Nhờ đó, kết thúc năm học 2021-2022, đã có 165 trường học đạt tiêu chuẩn "Trường học hạnh phúc”.
Cùng với ngành giáo dục và đào tạo, ngành y tế cũng đã triển khai Phong trào thi đua "Bác sĩ tận tâm, bệnh nhân hạnh phúc” tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, từ đó, xuất hiện rất nhiều tấm gương tiêu biểu "Lương y như từ mẫu”, nhiều điển hình tiên tiến với trái tim nhiệt huyết, sáng tạo, tấm lòng nhân ái, luôn đặt tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Thực hiện phong trào, các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện về phong cách, thái độ phục vụ, xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao sự hài lòng của người bệnh từ việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đến tích cực tiếp nhận, chuyển giao các kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số... Năm 2022, tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú và ngoại trú trên địa bàn tỉnh lần lượt đạt là 94,9% và 97,1%, tăng hơn so với những năm trước.
Ngoài ra, còn có một số sản phẩm, phong trào đặc trưng như: Phong trào thi đua "Thực hiện kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp” trong cán bộ, công chức, viên chức; "Chi hội nông dân hạnh phúc”; các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng... đã, đang và sẽ tiếp tục lan tỏa sâu rộng, tạo khí thế, động lực thi đua hết sức sôi nổi trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí tạm thời đánh giá "Gia đình hạnh phúc”, "Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc” bao hàm nhiều góc độ, cái nhìn về hạnh phúc từ mối quan hệ trong gia đình cho đến mức hưởng thụ về kinh tế, giáo dục, y tế, tín ngưỡng, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, môi trường sống, an toàn trước thiên tai, dịch bệnh...
Năm 2022, đánh giá từ Bộ tiêu chí này, toàn tỉnh đã có 85,4% gia đình văn hóa đạt tiêu chí gia đình hạnh phúc; 39,3% thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đạt tiêu chí thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc; 100% thôn, bản, tổ dân phố đã triển khai thành lập với trên 500 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc hoạt động.
Có thể thấy, tỉnh đã bước đầu xây dựng và tổ chức được các phong trào thi đua; tạo động lực tinh thần mạnh mẽ, làm cho mục tiêu nâng cao chỉ số hạnh phúc lan tỏa và thấm sâu vào đời sống của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
Các sản phẩm cụ thể, đặc trưng của ngành mang triết lý hạnh phúc đã được hình thành từ tên gọi cho đến nội dung, cách tiếp cận - thể hiện bước đi tiên phong của tỉnh Yên Bái trong công tác tham mưu, thí điểm đánh giá tiêu chí có liên quan đến chỉ số hạnh phúc. Khi đưa vào thực hiện và áp dụng trong thực tiễn, những sản phẩm này sẽ góp phần làm rõ thêm khái niệm, cụ thể hóa những mục tiêu, định hướng cũng như kết quả đánh giá chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái.
Năm 2022, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái là 62,57%, đạt mức 2 - khá hạnh phúc, tăng 4,46% so với năm 2021. Rõ ràng, hạnh phúc là khái niệm hết sức trừu tượng, khó có thể "lượng hóa” nhưng thực tế tại Yên Bái, hạnh phúc đang được định hình rõ nét bằng những sản phẩm cụ thể và bằng chính mục tiêu, hoạt động xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền các cấp luôn hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân - "Tất cả vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân, hướng tới mục tiêu xây dựng Tỉnh hạnh phúc”.
Trên thế giới, kể từ năm 2012, ngày 20/3 hằng năm đã được Đại hội đồng Liên hiệp quốc ấn định là Ngày Quốc tế hạnh phúc. Đến nay, có hơn 193 quốc gia thành viên trên thế giới (trong đó có Việt Nam) hưởng ứng và cam kết sẽ ủng hộ Ngày Quốc tế hạnh phúc bằng các nỗ lực như nâng cao chất lượng về kinh tế, cuộc sống, phát triển đất nước bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân.
Năm 2023, Ngày Quốc tế hạnh phúc được tổ chức với chủ đề "Hạnh phúc cho mọi người”. Để Ngày Quốc tế Hạnh phúc có ý nghĩa thiết thực và cao đẹp, chúng ta hãy cùng nhau chung sức, chung lòng, trách nhiệm, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác giảm nghèo, đặc biệt quan tâm tới khu vực đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, tới các đối tượng chính sách dễ bị tổn thương. Hãy cùng nhau kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, hiếu nghĩa của dân tộc! Hãy yêu thương và sẻ chia để tìm thấy cho mình và giúp những người quanh ta, trước hết là gia đình, là những người thân có nhiều giây phút hạnh phúc đích thực! |
Gia đình là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc tốt đẹp cho các thành viên trong gia đình. Bởi vậy, xây dựng gia đình hạnh phúc chính là nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, quốc gia hạnh phúc.
Chưa bao giờ, phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn tỉnh lại sôi nổi như 1-2 năm gần đây. Từ chỗ chỉ có một vài câu lạc bộ gia đình hạnh phúc (CLB) hoạt động dưới sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ thì đến nay 100% thôn, bản, tổ dân phố trong toàn tỉnh đã triển khai thành lập với trên 500 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc hoạt động; không có sự hỗ trợ về tài chính mà hoàn toàn xuất phát từ sự chủ động, nhiệt tình của các tổ chức đoàn thể xã hội với mong muốn ngày càng có nhiều những gia đình hạnh phúc.
Một buổi sinh hoạt của CLB thường bắt đầu bằng những trò chơi dân gian tập thể, tạo sự gắn kết, cởi mở. Tiếp đó, ban chủ nhiệm CLB thường là chi hội phụ nữ sẽ hướng dẫn, cung cấp kiến thức về xây dựng gia đình hạnh phúc. Các thành viên trao đổi về cách thức nuôi dạy con, những khúc mắc trong mối quan hệ gia đình hay những kinh nghiệm, nghệ thuật để giữ gìn hạnh phúc.
Sau một thời gian triển khai, các thành viên đều khẳng định đã có sự thay đổi tích cực khi tiếp cận các kiến thức về gia đình, đặc biệt là cơ hội để lắng nghe suy nghĩ, tâm tư của đối phương để cùng nhau chia sẻ, quan tâm và làm tròn trách nhiệm của bản thân.
Anh Nguyễn Duy Tiến ở xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Cùng vợ tham gia vào CLB, chúng tôi đã hiểu nhau hơn. Tôi hiểu được đối với vợ mình, việc cùng nhau chia sẻ việc nhà, nuôi dạy con cái còn quan trọng hơn việc tôi kiếm được bao nhiêu tiền. Tôi nói chuyện với vợ con nhiều hơn, biết khen và động viên vợ con bằng những lời yêu thương. Đây là những việc trước đây tôi chưa từng làm”.
Có thể thấy, hoạt động của các mô hình này đã góp phần thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi của các thành viên trong gia đình theo hướng tích cực, tuân thủ pháp luật, sống có trách nhiệm với gia đình. Bên cạnh đó, việc tỉnh thực hiện sâu rộng và hiệu quả Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình sau hơn 3 năm thí điểm đã đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa cụ thể.
Năm 2022, toàn tỉnh có 152.820 gia đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí này (đạt 70,2%), góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, giữ gìn phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình. Việc triển khai các giải pháp can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình đã được các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai.
Các hoạt động, sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (25/11)... được quan tâm tổ chức thường xuyên với các hình thức đa dạng và sáng tạo, truyền tải được các thông điệp về gia đình, về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của gia đình trong xã hội; xây dựng ý thức đoàn kết tương trợ trong cộng đồng; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử lễ phép, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của địa phương.
Mức sống của các gia đình về vật chất và tinh thần từng bước nâng cao rõ rệt; số vụ bạo lực gia đình hàng năm giảm; sự xuống cấp về đạo đức, lối sống đã được cải thiện; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ổn định; nếp sống văn minh, gia đình văn hóa ngày càng nhiều, thực chất và hiệu quả. Hết năm 2022, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa đạt 82,3%, trong đó có 85,4% gia đình văn hóa đạt tiêu chí gia đình hạnh phúc.
Gia đình hạnh phúc vừa là mong muốn, khát vọng vươn đến của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, vừa là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta chú trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Bởi vậy, gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia hạnh phúc.
Hạnh phúc đến từ cảm nhận của mỗi người, mỗi gia đình và rộng hơn là cả làng bản, cộng đồng. Yên Bái trở thành tỉnh tiên phong xây dựng chỉ số hạnh phúc. Những bản làng hạnh phúc, tổ dân phố hạnh phúc xuất hiện ở khắp các địa phương trong tỉnh. Bản hạnh phúc, tổ dân phố hạnh phúc chính là nỗ lực của mỗi người dân trên con đường xây dựng hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình.
Bản Trống Là, xã Hồ Bốn là mô hình "Bản hạnh phúc” thứ hai trên địa bàn Mù Cang Chải được trao quyết định xây dựng. Theo đó, người dân trong bản phấn đấu sẽ sớm hoàn thành các tiêu chí như: 100% số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; bản có bãi đổ rác, khu vực trung tâm có thùng rác; chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh; 100% số trẻ em dưới 6 tuổi trong bản được tiêm chủng các loại vắc-xin; người già từ 60 tuổi trở lên đều tham gia Hội Người cao tuổi và được theo dõi sức khỏe định kỳ. Bản có từ 5-10 mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, bền vững, tạo thu nhập ổn định; 40-50% số hộ gia đình có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 12%...
Để thực hiện mục tiêu này, Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình "Bản hạnh phúc” bản Trống Là thường xuyên tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã quan tâm giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của người dân; tham gia góp ý trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền địa phương ngày càng vững mạnh; tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã quy hoạch bản sạch - đẹp, đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, bền vững.
Triển khai xây dựng mô hình bản hạnh phúc ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải.
Ông Lìm Văn Hòa - Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Trống Là cho biết: "Tranh thủ các nguồn lực đầu tư, xây dựng bản ngày càng hoàn thiện theo mô hình nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, chúng tôi tích cực vận động nhân dân chỉnh trang bản, thường xuyên tổ chức hỗ trợ và tham gia trồng cây xanh, trồng hoa, các buổi dọn vệ sinh môi trường tại các trục đường chính trong bản, các trục đường xóm, hộ dân cư, đường vào khu sản xuất, nâng cấp mở rộng các tuyến đường chính, đường nội bản”.
Xác định muốn người dân trong thôn hạnh phúc thì trước hết cần thay đổi nếp nghĩ của bà con trong phát triển kinh tế, ông Phàng A Phà - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tà Xùa, xã bản Công, huyện Trạm Tấu đã chủ động tìm hiểu và đầu tư xây dựng một mô hình chăn nuôi ngan, vịt, lợn đen với quy mô hàng trăm con mỗi lứa. Nhờ tích cực học hỏi, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, nên đàn vật nuôi của gia đình ông Phà sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, được bà con tin tưởng học hỏi, làm theo.
Ông Phàng A Phà cho biết: "Thôn sẽ có hướng chăn nuôi ngan với lợn, sẽ đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng diện tích, quy mô”. Đến nay, toàn thôn Tà Xùa có hàng chục mô hình kinh tế cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Giờ đây ở Trạm Tấu không chỉ có Tà Xùa mà mỗi thôn, bản bằng cách làm riêng phù hợp với điều kiện thực tế đang phấn đấu xây dựng bản hạnh phúc. Trong số 10 tiêu chí, Trạm Tấu tập trung vào các tiêu chí cụ thể là phát triển kinh tế, phát triển các mô hình kinh tế; về phát triển giao thông; về tuổi thọ và chăm sóc sức khỏe...
Mô hình "Bản hạnh phúc” được xây dựng đã và đang góp phần làm thay đổi nếp sống, tư duy của cán bộ, đảng viên và nhân dân các bản làng vùng cao Yên Bái. Cảnh quan, môi trường, nhà ở sạch đẹp, gọn gàng tạo tinh thần, sức khỏe tốt cho người dân; người dân đoàn kết, chia sẻ trong cuộc sống hàng ngày, chung sống hài hòa với thiên nhiên, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên.
Chị Vì Thị Nguyên ở bản Dế Xu Phình, xã Dế Xu Phình - một trong hai bản hạnh phúc được xây dựng thành công của Mù Cang Chải chia sẻ: "Hạnh phúc là khi có cơm ăn áo mặc, con cái chúng tôi được đến trường. Tôi tự hào khi được đóng góp công sức nhỏ bé để xây dựng bản hạnh phúc”.
Để xây dựng thành công mô hình này, ngoài nỗ lực của bà con vùng cao, sự cố gắng của cán bộ thôn, bản, các huyện cũng thường xuyên cử cán bộ xuống với dân vào mỗi cuối tuần. "Cán bộ, đảng viên xuống với dân, cùng người dân giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở, giúp người dân chuyển đổi nhận thức trong lao động sản xuất, trong xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần” - bà Đào Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mù Cang Chải chia sẻ.
Phong trào xây dựng bản hạnh phúc, tổ dân phố hạnh phúc đã lan tỏa rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã bước đầu tham mưu xây dựng, ban hành tiêu chí tạm thời đánh giá "Gia đình hạnh phúc”, "Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc” trên địa bàn tỉnh. Cùng với phong trào xây dựng trường học hạnh phúc, cơ quan đơn vị hạnh phúc, phong trào xây dựng bản hạnh phúc tổ dân phố hạnh phúc đã và đang góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của nhân dân.
Bài: Hoài Anh - Thanh Vy
Ảnh: PV - CTV - Internet
Đồ họa: Thành Trung