Gặp nhiều khó khăn trong khi triển khai chương trình "Hỗ trợ việc làm bền vững"
Là đơn vị trực tiếp được phân công triển khai "hỗ trợ tạo việc làm bền vững" cho lao động, thời gian qua Trung tâm Dịch vụ Việc làm (DVVL) Yên Bái đã triển khai nhiều nội dung để tạo việc làm cho lao động, nhất là lao động nghèo trên địa bàn tỉnh.
Ông Lưu Mạnh Dũng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Yên Bái cho biết, tỉnh có những chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai chương trình giảm nghèo bền vững nói chung và nội dung "Hỗ trợ việc làm bền vững" nói riêng. Theo đó, nội dung hỗ trợ tạo việc làm bền vững đã được phê duyệt từ tháng 10/2022, tuy nhiên đến nay mới bắt đầu triển khai.
"Về cơ bản các văn bản, quy định về vấn đề này đã đầy đủ, ngân sách thì cũng đã có nhưng các đầu việc thì chưa cụ thể lắm. Hoạt động tư vấn, tập huấn ‘hỗ trợ việc làm bền vững' cũng được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) triển khai nhưng do triển khai vào cuối năm nên việc thực hiện chưa được như mong đợi. Nhiều nội dung, đầu việc còn chưa rõ nên khi triển khai các đơn vị còn lúng túng", ông Dũng nói.
Ông Dũng lấy ví dụ như nội dung "Kết nối việc làm thành công", các chỉ tiêu, mục tiêu, kế hoạch chưa rõ. Vì thế quá trình làm việc với các đơn vị cấp huyện xã, còn vướng.
"Ngoài ra, cơ chế tài chính, nguồn cũng được phân bổ cụ thể nhưng đơn vị vừa làm vừa thận trọng, cẩn thận vì là vốn ngân sách nên rất sợ xuất toán. Thậm chí dự án chưa làm đã có kế hoạch kiểm toán... nên các đơn vị lừa làm vừa lo, khó cho việc đẩy nhanh tốc độ", ông Dũng nói.
Riêng về các nội dung liên quan tới việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ông Dũng cho biết, trước đây tỉnh giao cho sở, vừa giao cho trung tâm nên có những điểm trùng lặp, rối mỗi nơi thực hiện một khác. Tuy nhiên, hoạt động tổ chức phiên giao dịch việc làm hay tư vấn, giới thiệu việc làm là hoạt động thường xuyên của trung tâm nên trung tâm sẽ thực hiện được.
Bước đầu triển khai về các huyện đặc biệt khó khăn
Một trong những mục tiêu của nội dung "Hỗ trợ việc làm bền vững" chính là tập trung nguồn lực hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nghèo, lao động ở vùng đặc biệt khó khăn. Chính bởi vậy, thời gian này Trung tâm DVVL Yên Bái đang kết hợp với phòng LĐTBXH các huyện triển khai các đầu việc.
Trong năm 2023, tỉnh Yên Bái đưa ra mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm so với năm trước là 3,5%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm so với năm trước 1,22%. Tỉnh Yên Bái cũng đặt mục tiêu trong năm 2023 sẽ giải quyết việc làm bền vững, tạo việc làm mới cho 19.500 lao động toàn tỉnh (hiện cả tỉnh có trên 50.000 lao động trong độ tuổi lao động), trong đó 50% là tạo việc làm cho lao động nghèo.
Cụ thể, mới đây (ngày 20/3) Trung tâm DVVL Yên Bái đã có buổi làm việc ở Phòng LĐTBXH Mù Cang Chảng để triển khai các đầu việc nhằm hỗ trợ việc làm bền vững cho các lao động trên địa bàn.
Ông Trương Đăng Hùng - Trưởng phòng LĐTBXH cho biết, Mù Cang Chải là huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới hơn 56,79%, tốc độ giảm nghèo năm 2022 vào khoảng hơn 8%/năm, (cao hơn mục tiêu tỉnh đề ra là 0,5%, tỉnh đặt mục tiêu tốc độ giảm nghèo huyện đạt từ 7,5%/năm).
Tuy tỷ lệ hộ nghèo có giảm, tốc độ cũng tương đối nhanh nhưng hoạt động giảm nghèo còn nhiều khó khăn, nhất là việc tạo sinh kế, tạo việc làm bền vững cho người dân.
Trao đổi với PV, ông Trương Đăng Hùng cho biết thêm: "Huyện luôn xác định nhiệm vụ tạo việc làm bền vững, tăng thu nhập cho lao động là kênh chính để giảm nghèo bền vững vì thế huyện ban hành nhiều giải pháp để hỗ trợ tạo việc làm cho lao động".
Theo báo cáo, mỗi năm huyện Mù Cang Chải tạo việc làm mới cho hơn 1.000 lao động, chủ yếu là lao động ngoại tỉnh. 2 tháng đầu năm huyện mới chỉ tạo việc làm mới cho được hơn 100 lao động ngoài huyện, ngoài tỉnh.
Ông Hùng cho biết thêm, đầu tháng 4 tới huyện sẽ phối hợp với Trung tâm DVVL Yên Bái tổ chức ngày hội việc làm nhằm kết nối cung - cầu, mời gọi các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện. Song song với đó, phòng LĐTBXH cũng phối hợp để khảo sát dữ liệu về thị trường lao động, báo cáo gửi trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh.
Chia sẻ thêm về khó khăn trong quá trình thực hiện nội dung "Hỗ trợ việc làm bền vững", ông Trương Đăng Hùng cho hay: "Khó khăn lớn nhất khi triển khai chương trình tạo việc làm bền vững là người lao động vẫn còn tư tưởng lạc hậu. Lao động địa phương được đánh giá cao bởi tính cần cù, chịu khó nhưng lại vô kỷ luật, ý thức, tác phong công nghiệp kém. Bởi vậy nên họ thích thì làm, không thích thì nghỉ. Điều này làm đau đầu nhiều đơn vị sử dụng".
Nhận thấy điều này, thông qua các hội nghị việc làm, phiên giao dịch việc làm, phòng LĐTBXH huyện cũng tổ chức truyền thông nhưng chuyển biến về nhận thức chậm vì tư tưởng cổ hủ ăn sâu vào tiềm thức của lao động.
Chia sẻ về các mô hình tạo việc làm bền vững thành công, ông Hùng cho biết, cũng đã có nhiều mô hình tuyển dụng, tạo việc làm bền vững của các công ty thành công. Ví dụ như trước đây có Công ty Than ở Quảng Ninh lên tuyển dụng, đào tạo lao động với nhiều chế độ đãi ngộ. Lao động sau khi được tuyển dụng sẽ được công ty sắp xếp chỗ ăn, ở, tạo điều kiện đón cả vợ con lên sinh sống. Tuy nhiên, việc tuyển dụng cũng không được nhiều.
"Thời gian tới chúng tôi sẽ bám sát kế hoạch tỉnh giao, đồng thời phối hợp với Trung tâm DVVL tỉnh tổ chức các phiên tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động, ưu tiên nhóm lao động nghèo, lao động khó khăn", ông Hùng nói.
(Theo Dân Việt)