Trong buổi tập luyện chuẩn bị tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng của người dân tổ dân phố số 6, thị trấn Yên Bình, các diễn viên không chuyên đã tìm kiếm trên Internet các bài hát, điệu múa phù hợp và tải về cho cả đội cùng tập. Thực hiện được điều này là do Nhà văn hóa tổ dân phố 6 đã kết nối mạng và đặt trạm phát wifi dùng chung.
Người dân tổ dân phố số 6, thị trấn Yên Bình tập văn nghệ tại nhà văn hóa tổ.
Nhà văn hoá thôn Hồ Sen, xã Bạch Hà có diện tích 1.300m2, tổng kinh phí xây dựng trên 600 triệu đồng; trong đó, nhân dân trong thôn đóng góp gần 500 triệu đồng và trên 200 công lao động. Ngay sau khi đưa vào sử dụng, thôn Hồ Sen đã vận động đóng góp để mua sắm thiết bị, đáp ứng các tiêu chí nhà văn hoá số như: tăng âm, loa đài, màn hình ti vi và lắp đặt internet. Đồng thời, thôn thành lập, duy trì và nâng cao hoạt động của tổ chuyển đổi số cộng đồng để hướng dẫn người dân triển khai các nền tảng, ứng dụng công nghệ số.
Thời gian qua, xã Bạch Hà đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của cùng sự đầu tư của Nhà nước để cải tạo các nhà văn hoá thôn, đầu tư lắp đặt wifi và hệ thống truyền thanh cơ sở. Đến nay, 7/7 thôn của xã đều đã được phủ sóng wifi kết nối internet và có hệ thống loa truyền thanh đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân.
Nhà văn hoá thôn Hồ Sen, xã Bạch Hà được xây dựng đáp ứng các tiêu chí nhà văn hoá số như: tăng âm, loa đài, màn hình ti vi và lắp đặt internet.
Trước đây, để chuẩn bị cho buổi sinh hoạt định kỳ, các bí thư chi bộ ở xã Đại Minh phải in tài liệu phát cho đảng viên. Giờ đây, các tài liệu ấy đã gói gọn trong chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng. Tất cả đảng viên trong chi bộ đều nắm được các chỉ thị, nghị quyết và tham gia ý kiến trên ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”. Tiện ích này có được là nhờ xã đã triển khai tốt mô hình nhà văn hoá số. Không chỉ vậy, Đại Minh còn thí điểm mô hình thôn thông minh tại thôn Cầu Mơ, tiến tới xây dựng xã thông minh.
Phấn đấu trở thành huyện chuyển đổi số trong năm 2023 với 50% nhà văn hoá thôn, tổ dân phố trở lên đạt mô hình nhà văn hoá số, huyện Yên Bình đã rà soát hệ thống mạng, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho triển khai mô hình nhà văn hoá số của thôn, tổ dân phố. Các xã, thị trấn tranh thủ nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Đến nay, 177/177 thôn, tổ nhân dân đều có nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn; 24/24 xã, thị trấn có trung tâm văn hóa thể thao hoạt động hiệu quả; có 89/177 nhà văn hoá đủ các điều kiện đạt nhà văn hoá số.
Nhà văn hóa số đã phát huy hiệu quả, kết nối người dân với chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác lãnh đạo, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của huyện Yên Bình.
Minh Huyền - Hoài Văn