Trung tâm CTXH - BTXH tỉnh, tiền thân là Trung tâm BTXH, được UBND tỉnh Yên Bái quyết định đổi tên từ tháng 4/2014. Trung tâm là mô hình chuyển đổi từ cơ sở BTXH, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ CTXH.
Ngoài nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, phục hồi chức năng cho những đối tượng BTXH, Trung tâm còn thực hiện việc cung cấp dịch vụ CTXH cho cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng có nhu cầu trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, nhờ sự quan tâm của UBND tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động, Trung tâm đã có nhiều đổi mới, từ cơ sở vật chất đến khoa học trong phương pháp làm việc. Qua đó, chất lượng cuộc sống của các đối tượng đang được chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng tại Trung tâm đã được cải thiện và nâng lên rõ rệt, góp phần vào đảm bảo công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng các trường hợp đặc biệt khó khăn ở cộng đồng, hiện nay Trung tâm CTXH - BTXH đang quản lý, chăm sóc tổng số 149 đối tượng là người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi cha mẹ, người khuyết tật nặng, trẻ em bị bỏ rơi, người lang thang cơ nhỡ và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học.
Cùng với duy trì và đảm bảo mức trợ cấp từ ngân sách địa phương, mọi chế độ của đối tượng đều được đảm bảo thường xuyên, đúng quy định; 100% được mua bảo hiểm y tế, khám sức khỏe định kỳ.
Không chỉ là mái nhà của sự nhiệt tình, tận tâm, Trung tâm CTXH - BTXH còn năng động, sáng tạo trong cách làm để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống hiện đại, mở rộng các loại hình trợ giúp đối tượng trong xã hội.
Từ năm 2018 đến nay, cùng với các nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao, Trung tâm còn triển khai thêm dịch vụ dưỡng lão tự nguyện, dịch vụ can thiệp, trị liệu cho trẻ em tự kỷ, trẻ em khuyết tật theo hình thức tự nguyện đóng góp kinh phí.
Theo đó, Trung tâm không chỉ đầu tư về trang thiết bị, đồ dùng học tập, vui chơi mà các em còn được hưởng thụ sự giáo dục, chăm sóc của đội ngũ giáo viên được đào tạo chuyên môn sâu với chương trình giáo dục và phương pháp can thiệp đặc thù cho trẻ. Qua đó, giúp các em điều chỉnh được hành vi, nâng cao được nhận thức và sớm có sự tiến bộ.
Mô hình dưỡng lão tự nguyện đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác BTXH, chăm sóc người cao tuổi của tỉnh do Trung tâm thực hiện. Đáp ứng nhu cầu của xã hội, từ năm 2018 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 50 người cao tuổi vào chăm sóc, nuôi dưỡng. Hầu hết những người cao tuổi vào đây đều có hoàn cảnh khá éo le, con cháu làm ăn xa, bận công việc, không có thời gian quan tâm, chăm sóc.
Khi sử dụng dịch vụ, người cao tuổi được khám sức khỏe ban đầu, lập hồ sơ theo dõi và sắp xếp phòng ở phù hợp với độ tuổi, tình trạng sức khỏe, tình trạng bệnh tật với phương châm "Chăm sóc bằng trái tim, sẻ chia bằng tấm lòng”.
Song song với hoạt động nuôi dưỡng tập trung, Trung tâm còn đẩy mạnh, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động CTXH, quản lý, trợ giúp các trường hợp tại cộng đồng để lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, xác định khó khăn, nhu cầu để xây dựng kế hoạch giải quyết từng vướng mắc của những người yếu thế. Đồng thời, chủ động tiếp cận để động viên, sẻ chia về tinh thần cũng như kết nối tới các tổ chức thiện nguyện giúp những hoàn cảnh khó khăn.
Việc quản lý, trợ giúp các trường hợp tại cộng đồng là một trong những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Trung tâm CTXH - BTXH tỉnh. Để thực hiện hoạt động này, nhân viên CTXH đến từng hộ gia đình thu thập thông tin, đánh giá các vấn đề gặp phải, nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của các đối tượng, giúp đỡ họ tiếp cận với những dịch vụ CTXH của Trung tâm. Qua đó, giúp phát hiện và hỗ trợ những cá nhân, gia đình, nhóm người gặp khó khăn, yếu thế trong xã hội. Đồng thời, kết nối với các nguồn lực từ địa phương và các tổ chức xã hội để giúp đỡ đối tượng.
Theo số liệu thống kê, tỉnh Yên Bái hiện hiện có gần 27.000 đối tượng thuộc diện BTXH đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng. Để hoạt động CTXH bao phủ đến các đối tượng và phát huy hiệu quả, trung tâm còn đa dạng hóa các phương thức, trợ giúp, kết nối và xây dựng mạng lưới các cơ sở trợ giúp trong và ngoài tỉnh để cung cấp dịch vụ xã hội phù hợp cho đối tượng có nhu cầu tại cộng đồng.
Đặc biệt, để nắm bắt kịp thời thông tin trong những trường hợp khẩn cấp, Trung tâm đã thiếp lập đường dây tư vấn miễn phí qua tổng đài 18001776 và bố trí nhân viên CTXH sẵn sàng tiếp nhận thông tin liên quan đến các chế độ chính sách trợ giúp xã hội và các dịch vụ đang được cung cấp tại Trung tâm…
Thu Hiền