GÓP SỨC CHO NHỮNG CON ĐƯỜNG
Ông Sùng A Vang - Phó Ban hành giáo họ giáo Hồng Lâu, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên đồng thời cũng là Tổ trưởng Tổ tự quản số 1 thôn Khuôn Bổ. Phát huy vai trò của người có uy tín, thời gian qua, ông Vang đã tích cực vận động nhân dân tham gia hoàn thành bê tông hóa 1,2 km tuyến đường chính của thôn, đường vào ngõ xóm và 1,2 km rãnh đường bê tông.
Ông còn vận động được 3 hộ gia đình cùng nhau đổ 120 m đường bê tông và mở mới được 1,5 km đường vào khu sản xuất…, góp phần vào xây dựng nông thôn mới ở thôn Hồng Lâu nói riêng và xã Hồng Ca nói chung.
Ý thức cao trách nhiệm của người có uy tín trong cộng đồng, linh mục Nguyễn Đình Tuyến - Quản hạt Yên Bái, Quản xứ Giáo xứ An Thịnh (Văn Yên) đã đóng góp không nhỏ cho những con đường bê tông mới ở địa phương. Linh mục Tuyến đã vận động 214 hộ giáo dân hiến gần 22.500 m2 đất, 500 m 2 tường xây để mở rộng 8,5 km đường từ 3 m lên 8 m; đồng thời, vận động nhân dân làm mới 4,5 km đường điện "Thắp sáng đường quê", hiến 3.500 m2 đất làm nhà văn hóa, đóng góp tiền mặt, ngày công xây dựng 4 nhà văn hóa mới.
Là người có uy tín, cũng là Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Trại Phung, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình, ông Hoàng Cao Nguyên đã vận động nhân dân hiến được gần 12.000 m2 đất, 100 m2 bê tông, 50 m2 tường rào, 4.000 cây các loại, 600 m2 rau màu để giải phóng mặt bằng làm đường liên thôn, kênh mương nội đồng. Ông còn vận động nhân dân góp trên 200 triệu đồng, 560 ngày công để mở rộng, bê tông các tuyến đường liên thôn.
Ở huyện vùng cao Mù Cang Chải "tấc đất, tấc vàng” nhưng ông Thào A Ký - người có uy tín bản Có Mông, xã Nậm Có, từ năm 2020 đến nay đã trực tiếp hiến 1.000 m2 đất và vận động nhân dân trong bản hiến trên 200 m2 và huy động bà con đóng góp trên 500 triệu đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn nội bản.
Ông Hảng Gà Lầu - bản Háng Cuốn Rùa, xã Dế Xu Phình (Mù Cang Chải) nhận bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tại Hội nghị biểu dương người có uy tín trong các tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2020 - 2023.
Ông Hảng Gà Lầu - người có uy tín bản Háng Cuốn Rùa, xã Dế Xu Phình đã tuyên truyền, vận động nhân dân hiến hơn 2.000 m2 đất làm được hơn 2 km đường giao thông nội bản. Ông Lầu cũng vận động được nhân dân hiến 500 m2 đất làm nhà văn hóa cộng đồng của bản và đóng góp 200 triệu đồng, 300 ngày công xây dựng nông thôn mới.
Huyện Lục Yên những năm qua là điểm sáng trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Trong phong trào ấy, nhiều người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã cùng gia đình đi đầu, làm gương cho bà con.
Điển hình như: ông Dương Thái Tiệp - người có uy tín thôn Ngòi Thắm, xã Tô Mậu hiến 360 m2 đất vườn, đất ruộng, cây cối, phá bờ rào kiên cố để xây dựng đường bê tông liên thôn và nội thôn; ông Dương Quốc Mong - người có uy tín thôn Cây Mơ, xã Liễu Đô hiến hơn 300 m2 đất vườn, cây cối và bà Hoàng Thị Dung - người có uy tín thôn Nà Tạng, xã Minh Xuân hiến 256 m2 đất vườn, đất ruộng, cây cối để xây dựng đường bê tông liên thôn và nội thôn.
Rất nhiều người có uy tín trong các tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh đã và đang tích cực góp công sức để bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, thiết thực thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Họ cùng gia đình làm gương, đi đầu hiến đất làm đường. Với uy tín của bản thân trong cộng đồng, họ sẵn lòng bỏ nhiều công sức, thời gian phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, tạo nên những con đường bê tông tươi mới nơi những vùng quê, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh.
TÂM HUYẾT GIỮ GÌN BẢN SẮC VĂN HÓA
Là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương giàu bản sắc văn hóa Thái, bà Đào Thị Lái - tổ 7, phường Cầu Thia (thị xã Nghĩa Lộ) có nhiều đóng góp trong việc vận động nhân dân tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là Nghệ thuật Xòe Thái - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Những năm qua, bà Lái đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của phường vận động được gần 40 người có cùng tâm huyết tham gia lớp học chữ Thái cổ và biểu diễn nhạc cụ dân tộc như khèn bè, pí ló, học các bài khắp, đồng dao của người Thái và múa xòe.
Là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Thái của tổ, bà Lái cùng Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ thành lập được 3 đội bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số theo thế hệ, gồm: đội người cao tuổi, đội tuổi trung niên và đội các cháu thiếu niên; phân công thành viên trong Ban Chủ nhiệm phụ trách từng đội để tổ chức tập luyện thường xuyên, nhất là biểu diễn thành thục các điệu múa xòe, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ ở địa phương.
"Rất tự hào về văn hóa dân tộc Thái ở đất Mường Lò, mình lại là người có uy tín nên càng phải có trách nhiệm đóng góp vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa đó” - bà Lái chia sẻ.
Nhiều người có uy tín ở thị xã Nghĩa Lộ tích cực tham gia vào phát huy giá trị Nghệ thuật Xòe Thái.
Bà Triệu Thị Nhậy - người có uy tín thôn 2 Túc, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, suốt nhiều năm qua vẫn bền bỉ góp sức mình vào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao trên địa bàn. Từ nhiều năm trước, trước nguy cơ mai một dần trang phục truyền thống của người Dao, bà Nhậy tìm đến các cụ cao tuổi trong thôn, trong xã sưu tầm lại những mảnh hoa văn thổ cẩm, rồi tự tay làm những bộ trang phục cho mình, cho gia đình.
Bà kiên trì vận động người cao tuổi trong thôn bản chỉ bảo con cháu trong gia đình kỹ thuật thêu, may trang phục truyền thống. Bà cũng liên tục vận động chị em phụ nữ trong thôn bản tự thêu, may lấy trang phục cho mình và người thân. Bản thân bà thường xuyên diện những trang phục dân tộc. Nhiều chị em trong thôn bản học theo bà làm trang phục truyền thống rồi cùng nhau mặc thường xuyên hơn, cứ vậy mà nét văn hóa trong trang phục truyền thống của người Dao đã được giữ gìn.
Từ năm 1995, bà Nhậy còn mở lớp dạy thêu cho chị em phụ nữ trong xã. Từ lớp học thêu năm nào, đến nay, tổ hợp tác thổ cẩm thôn 2 Túc được thành lập và 2 Túc cũng được công nhận là làng nghề thổ cẩm truyền thống.
Không chỉ giữ gìn bản sắc trong trang phục truyền thống, bà Nhậy còn tích cực sớm đưa những điệu dân ca, dân vũ của người Dao lên sân khấu của những hội diễn nghệ thuật quần chúng từ cấp huyện đến cấp tỉnh, trung ương và tích cực truyền dạy những điệu dân ca, dân vũ người Dao cho thế hệ trẻ.
Tinh thần, ý thức trách nhiệm trước việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa, nhiều người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã mang tâm huyết và bằng uy tín của mình để góp phần giữ gìn nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
LÀM GƯƠNG ĐỂ BÀ CON HỌC TẬP
Là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, ông Nguyễn Ngọc Sáng - thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế và tham gia các hoạt động xã hội, từ đó tích cực vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thôn, bản hạnh phúc.
Bản thân ông và gia đình thường xuyên chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ông Sáng kể: "Hàng năm, gia đình tôi đều có mức thu nhập đạt trên 200 đến 250 triệu đồng; trong đó: thu nhập từ sản xuất lúa và màu là 45 triệu đồng, từ chăn nuôi là 50 triệu đồng và khoảng 145 triệu đồng từ 10 ha rừng trồng quế”.
Ông Nguyễn Ngọc Sáng (thứ 4, phải sang) giới thiệu về ẩm thực địa phương với lãnh đạo huyện Văn Yên trong hoạt động nhân dịp Ngày Gia đình Việt Nam năm 2023.
Hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", ông Sáng và gia đình ý thức sâu sắc việc gương mẫu thực hiện tốt quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư, nhất là thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, các lễ hội.
Ông và gia đình cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm tham gia các phong trào của địa phương như: "Ngày thứ Bảy cùng dân"; hiến đất làm đường giao thông nông thôn, "Lắng nghe dân nói và xây dựng văn hóa giữ gìn vệ sinh môi trường sống"; "Mỗi người, mỗi ngày một việc, góp phần làm sạch môi trường"...
Từ năm 2020 đến nay, gia đình ông đã hiến trên 2.000 m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, đóng góp xây dựng nông thôn mới và quỹ xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương trên 15 triệu đồng, đóng góp xây dựng tu sửa nhà văn hóa thôn trên 3 triệu đồng; tích cực ủng hộ vật chất cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các quỹ an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa... tại địa phương.
Từ sự gương mẫu đi đầu của bản thân và gia đình, ông Sáng tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế gia đình, đóng góp công sức xây dựng nông thôn mới... Những năm qua, ông đã phối hợp vận động nhân dân hiến 4.700 m2 đất; đóng góp 800 ngày công và 120 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa thôn; trồng mới được 2 km đường hoa, 1,5 km đường điện "Thắp sáng đường quê", làm cầu… và vận động 13 hộ nghèo làm đơn thoát nghèo.
Là thành viên của tổ hòa giải trong thôn, ông Sáng tích cực tham gia vào công tác hòa giải tại địa bàn; luôn tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, xây dựng mối quan hệ tình làng nghĩa xóm đoàn kết. Ý thức rõ vai trò của người có uy tín trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, ông Sáng cũng luôn tích cực phối hợp với Ban Công tác Mặt trận thôn tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước.
Thôn Hạnh Phúc hiện đang là mô hình điểm xây dựng ”thôn hạnh phúc” của huyện Văn Yên. Với tinh thần trách nhiệm của một người có uy tín, ông Nguyễn Ngọc Sáng một lần nữa tự nhắc bản thân mình sẽ mang nhiệt huyết, công sức để cùng nhân dân xây dựng thôn hạnh phúc.
Thu Hạnh