Diễn đàn trẻ em quốc gia - lan tỏa tiếng nói của trẻ em

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/8/2023 | 9:32:26 AM

YênBái - Diễn đàn trẻ em Quốc gia lần thứ 7 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 - 8/8/2023 với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”.

188 trẻ em đại diện cho trên 25 triệu trẻ em trên cả nước cùng tham dự Diễn đàn trẻ em Quốc gia lần thứ VII.
188 trẻ em đại diện cho trên 25 triệu trẻ em trên cả nước cùng tham dự Diễn đàn trẻ em Quốc gia lần thứ VII.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, tạo cơ hội cho trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng với các cơ quan, tổ chức theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Trẻ em năm 2016, Diễn đàn trẻ em quốc gia được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức. Đây là nơi trẻ em được cung cấp thông tin, được nói lên ý kiến, nguyện vọng của mình, để các cơ quan, tổ chức lắng nghe, tôn trọng và đáp ứng nguyện vọng trẻ em.

Sáu kỳ diễn đàn với nhiều vấn đề được thảo luận

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, 6 kỳ Diễn đàn trẻ em quốc gia được tổ chức rất thành công.

Năm 2009, Diễn đàn trẻ em quốc gia được tổ chức lần thứ nhất tại Hà Nội với sự tham gia của 126 trẻ em đến từ 21 tỉnh, thành phố với chủ đề "Trẻ em và các mục tiêu vì trẻ em”. Diễn đàn đã tạo cơ hội để trẻ em cả nước tham gia ý kiến, nêu kiến nghị nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001 - 2010 và chuẩn bị xây dựng Chương trình có tính chiến lược này cho 10 năm tiếp theo.

Năm 2011, Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 2 được tổ chức với chủ đề "Trẻ em với môi trường an toàn và thân thiện” với sự tham gia của 188 trẻ em từ 31 tỉnh, thành phố. Thông điệp của trẻ em tham gia Diễn đàn đề cập tới 11 vấn đề liên quan đến trẻ em; trong đó có các vấn đề: loại bỏ nguy cơ xâm hại trẻ em (như bạo lực, xâm hại tình dục, sao nhãng trẻ em…); bóc lột trẻ em (lao động trẻ em, trẻ lang thang…); tai nạn thương tích cho trẻ em; Lắng nghe tiếng nói trẻ em…

Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 3 được tổ chức năm 2013 với chủ đề "Trẻ em tham gia sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em” có sự tham gia của 171 trẻ em của 35 tỉnh, thành phố. Tại Diễn đàn trẻ em đã thảo luận một số nội dung liên quan đến Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 và khuyến nghị những nội dung cần bổ sung, sửa đổi trong Luật này.

Hai năm sau, năm 2015, Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 4 được tổ chức với chủ đề ‘‘Lắng nghe trẻ em nói’’. Ý kiến, khuyến nghị của 192 trẻ em tham dự diễn đàn đã được tiếp thu trong quá trình xây dựng nội dung về quyền tham gia của trẻ em.

Đến năm 2017, 200 trẻ em từ 48 tỉnh, thành phố đại diện cho trẻ em cả nước cùng tham dự Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 5. Tại diễn đàn, các em cùng trao đổi nhiều nội dung xoay quanh chủ đề "Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”.

Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 6 được tổ chức năm 2019 với chủ đề "Trẻ em với các vấn đề trẻ em”. Diễn đàn có sự tham gia của 169 trẻ em đại diện cho trẻ em của 42 tỉnh, thành phố, các Làng trẻ em SOS, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An và Hội đồng trẻ em của 4 tỉnh, thành phố. Tại diễn đàn, các em cùng nhau trao đổi về các nhóm vấn đề: phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; an toàn trên môi trường mạng; giáo dục đạo đức lối sống và kỹ năng sống cho trẻ em...; đồng thời gửi thông điệp "Lắng nghe tiếng nói của trẻ em bằng trái tim - Đáp ứng nguyện vọng của trẻ em bằng hành động” tới Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành.

Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cơ quan Thường trực của Diễn đàn trẻ em quốc gia) chia sẻ, sau Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 6, các bộ, ngành đều có ý kiến phản hồi về các khuyến nghị, nội dung mà trẻ em nêu ra tại diễn đàn. Ban Tổ chức nhận được những ý kiến rất cụ thể từ quá trình xây dựng văn bản đến việc triển khai các công tác truyền thông, nâng cao năng lực cho lực lượng của ngành; phát triển các dịch vụ để có thể cung cấp, hỗ trợ cho trẻ em ở các địa phương ngày càng tốt hơn…

Qua 6 lần tổ chức Diễn đàn trẻ em quốc gia, có thể nói rằng, quyền tham gia của trẻ em đang ngày càng được thúc đẩy. Tiếng nói của trẻ em được tôn trọng, được lắng nghe, được phản hồi và có vai trò quan trọng trong quá trình soạn thảo, thực thi các quyết định, quy định của luật pháp, chính sách về trẻ em. Đây là cơ sở để trẻ em tự tin phát huy quyền tham gia của mình. 

Bà Nguyễn Thị Nga cho biết, từ sự lan tỏa của diễn đàn, đến nay rất nhiều địa phương, ngoài tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh đã chủ động bố trí kinh phí, nhân lực triển khai Diễn đàn trẻ em cấp huyện, xã. HĐND của một số tỉnh, thành phố đã trực tiếp gặp mặt trẻ em để có thể lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của các em. Điều đó cho thấy, từ quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Trẻ em năm 2016 và qua các Diễn đàn trẻ em thì đến nay quyền tham gia của trẻ em luôn nhận được sự đồng hành không chỉ của riêng các bộ ngành mà ngay cả các tổ chức, địa phương.

Năm 2023, Diễn đàn trẻ em Quốc gia lần thứ 7 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 - 8/8 với chủ đề "Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”. Diễn đàn có sự tham gia của 188 trẻ em đến từ 43 tỉnh, thành phố đại diện cho trên 25 triệu trẻ em trên cả nước. Các em sẽ chủ động nêu vấn đề, ý kiến, nguyện vọng, đóng góp các giải pháp, sáng kiến về những vấn đề liên quan đến trẻ em với tinh thần trẻ em cùng tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Nga cho rằng, việc trẻ em được tham gia vào quá trình xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em có ý nghĩa rất to lớn. Đó là một trong những "đỉnh cao” của quyền tham gia của trẻ em. Ngoài việc trẻ em được tiếp nhận thông tin, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng thì bây giờ trước các vấn đề liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; trẻ em phải lao động trái quy định của pháp luật; trẻ em bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai, những vấn đề từ thực tiễn của địa phương…, các em có thể chủ động đề xuất với các bộ, ngành, tổ chức theo các góc nhìn của mình ở từng vấn đề, góc độ phù hợp với sự trưởng thành của các em.

Bà Nguyễn Thị Nga cho biết thêm, trẻ em tham gia diễn đàn năm nay được trẻ em bình chọn từ diễn đàn trẻ em địa phương. Đặc biệt, Diễn đàn lần thứ 7 có sự tham gia của nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đến từ một số đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật hay trẻ em khiếm thị được bình chọn thông qua Diễn đàn trẻ em khiếm thị Việt Nam. Nét đổi mới của diễn đàn này so với các diễn đàn trẻ em quốc gia trước là trẻ em được lãnh đạo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn trực tiếp gặp gỡ tại cơ quan, đơn vị mình để các em chủ động đóng góp những vấn đề theo chức năng nhiệm vụ của các cơ quan nói trên từ góc độ của các em. Ban Tổ chức hy vọng những ý kiến, giải pháp, nguyện vọng của các em sẽ được các cơ quan, tổ chức thực sự nghiên cứu, tiếp thu và cụ thể hóa thành các kế hoạch trong thời gian tới.

Ngày 28/6 vừa qua, Diễn đàn trẻ em tỉnh Yên Bái năm 2023 đã diễn ra với chủ đề "Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em” thu hút sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành; các thầy, cô giáo, anh, chị phụ trách; 22 trình dẫn viên và 130 trẻ em đại diện cho 254.000 trẻ em trong tỉnh. Đây là những trẻ em tiêu biểu đến từ các huyện, thị, thành phố và Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh. 

Tại Diễn đàn, trẻ em đại diện các vùng, miền, dân tộc toàn tỉnh đã thảo luận, mang tới bản sắc văn hóa, trí tuệ, thể hiện trách nhiệm của trẻ em trong các vấn đề liên quan đến quyền, bổn phận trẻ em; các biện pháp phòng ngừa, ứng phó để bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức xâm hại, bạo lực; phòng, chống, giảm thiểu tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; chống tình trạng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật... 

Tại Diễn đàn, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể đã cung cấp nhiều thông tin có tính định hướng, giải pháp để giải quyết vấn đề mà các em đang quan tâm trong giai đoạn tới, giúp các em hiểu rõ hơn về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, về quyền và nghĩa vụ của trẻ em cũng như sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, các cơ quan và nhà trường trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện trong thời gian qua nhằm thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em, giáo dục kỹ năng cho trẻ em... 

Diễn đàn trẻ em tỉnh Yên Bái năm 2023 là một trong những hoạt động ý nghĩa, là nơi trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình với lãnh đạo các cấp, ngành về những vấn đề các em quan tâm; thể hiện cam kết và trách nhiệm của các cấp, chính quyền, gia đình và xã hội đối với công tác bảo vệ trẻ em; góp phần thực hiện các mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tạo điều kiện cho trẻ em được phát triển toàn diện và môi trường sống an toàn, lành mạnh. 

 Văn Tuấn (BT- Tin tức)

Tags Diễn đàn trẻ em Yên Bái

Các tin khác
Đoàn viên thanh niên xã Nghĩa Phúc tham gia xây dựng các tuyến đường hoa.

Thị đoàn Nghĩa Lộ đã thực hiện hiệu quả các phong trào hành động của tuổi trẻ, nổi bật là phong trào "Thanh niên tình nguyện”, các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa dân tộc, sinh hoạt chính trị "Hành trình theo chân Bác”, đồng hành với thanh niên lập nghiệp.

Nghiên cứu sinh Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM trong một giờ thực nghiệm Ảnh: TẤN THẠNH

Bên cạnh chế độ đãi ngộ phù hợp, nhiều ý kiến cho rằng việc tạo lập môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn minh cũng là yếu tố quan trọng để thu hút nhân tài.

Nhân dân xã Hán Đà dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm.

Xã đã có 63 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn mô hình "6 không, 6 sạch”

Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã thông báo về lịch chi trả lương hưu tháng 8/2023.

Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã thông báo về lịch chi trả lương hưu tháng 8/2023 theo mức lương hưu mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục