Chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/8/2023 | 10:07:19 AM

YênBái - Những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động quốc gia để hỗ trợ các nạn nhân, trong đó có Kế hoạch Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin và thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn, chất độc sau chiến tranh ở Việt Nam.

Tặng quà cho gia đình nạn nhân da cam.  Ảnh minh họa
Tặng quà cho gia đình nạn nhân da cam. Ảnh minh họa

Cùng với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức, cá nhân tích cực triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học và Chương trình hành động quốc gia của Chính phủ về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (gọi tắt là Hội) đã nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động phối hợp với cơ quan hữu quan để tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước về các chủ trương, chính sách, chế độ đối với nạn nhân chất độc da cam.

Với phương châm "Hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân”, toàn Hội bằng nhiều cách vận động sáng tạo, linh hoạt đã thu hút sự ủng hộ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong nước và nước ngoài chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Chỉ tính từ năm 2018 đến tháng 6/2023, toàn Hội đã vận động xây dựng Quỹ Nạn nhân chất độc da cam đạt 1.858,99 tỷ đồng; trong đó ủng hộ trực tiếp (tiền và hiện vật) trị giá 673,32 tỷ đồng.

Nhờ đó nhiều nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở; được tặng quà, hỗ trợ học nghề, tìm việc làm; hỗ trợ vốn, sinh kế vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể với Hội trong việc cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước bằng các chính sách, chế độ, quy định và hướng dẫn thực hiện ở các cấp chưa đồng bộ. Vai trò của tổ chức Hội các cấp, nhất là cấp cơ sở có nơi chưa được phát huy tốt; công tác vận động nguồn lực hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam ở một số tỉnh, thành phố kết quả còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng thực tế của địa phương...

Trong khi đó, dù chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm, nhưng bên cạnh hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, đến nay vẫn còn hàng trăm nghìn người bị nhiễm chất độc hóa học đã và đang phải chịu đựng nhiều căn bệnh quái ác, thậm chí không thể chữa khỏi, hậu quả truyền sang thế hệ con, cháu, chắt và chưa biết khi nào mới kết thúc.

Dù chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm, nhưng bên cạnh hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, đến nay vẫn còn hàng trăm nghìn người bị nhiễm chất độc hóa học đã và đang phải chịu đựng nhiều căn bệnh quái ác, thậm chí không thể chữa khỏi, hậu quả truyền sang thế hệ con, cháu, chắt và chưa biết khi nào mới kết thúc.

Trong đó, có nhiều cựu chiến binh bị nhiễm chất độc hóa học hoàn cảnh hết sức thương tâm, nhiều gia đình có từ hai đến bốn người là nạn nhân chất độc da cam. Nhiều người bị nhiễm chất độc hóa học nhưng do thiếu giấy tờ, hồ sơ trong chiến tranh, nên chưa được hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Để tiếp tục góp phần chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình hành động quốc gia của Chính phủ về khắc phục hậu quả chất độc hóa học. Các địa phương, cơ quan, đơn vị cần quan tâm giải quyết những vấn đề liên quan đến chính sách, chế độ của các cựu chiến binh từng tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao. Thời gian tới, bên cạnh việc kiên trì cuộc vận động, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam thông qua hình thức, biện pháp phù hợp đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; các cấp Hội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai các chương trình đã ký kết trong công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam; về công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác vận động nguồn lực xã hội để chăm sóc nạn nhân chất độc da cam.

Trước mắt, Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội chủ động phối hợp tuyên truyền về Chương trình nhắn tin từ thiện "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” và tổ chức tốt "Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam” năm 2023 (từ ngày 1/8 đến 31/8/2023) và các hoạt động kỷ niệm 62 năm Thảm họa da cam tại Việt Nam (10/8/1961-10/8/2023)...

Yên Bái hiện có 1.181 người bị nhiễm CĐDC đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi (trong đó có 677 người trực tiếp tham gia kháng chiến và 504 con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học). Đối với thế hệ thứ 3, qua phối hợp khảo sát nắm tình hình nạn nhân trong tỉnh, phát hiện có 26 trường hợp. 

Gần 10 năm qua, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh (đổi tên từ 14/7/2023 là Hội Nạn nhân chất độc da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Yên Bái) đã tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp, động viên nạn nhân CĐDC. 10 năm qua, Hội đã tổ chức thăm và tặng quà dịp lễ, tết cho hơn 13.500 lượt nạn nhân về tiền và hiện vật trị giá trên 4 tỷ đồng; hỗ trợ làm 59 nhà mới trị giá 2 tỷ 360 triệu đồng; hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi bò giống 130 triệu đồng; hỗ trợ điều trị bệnh cho 151 nạn nhân CĐDC với tổng kinh phí 154 triệu đồng; đào tạo nghề cho hơn 100 nạn nhân CĐDC bị khuyết tật với kinh phí hỗ trợ trên 208 triệu đồng. 
Thành Trung (BT- NDO)

Các tin khác
Hộ chiếu Việt Nam xếp hạng 82 thế giới

Hộ chiếu Việt Nam hiện xếp thứ 82 thế giới, tăng 6 bậc so với kỳ xếp hạng tháng 1/2023 và tăng 10 bậc so với năm 2022.

Miền Bắc hôm nay nắng nóng.

Hôm nay (10/8), các tỉnh miền Bắc trời nắng, khu vực đồng bằng có nắng nóng. Từ chiều tối nay, vùng núi Bắc Bộ có mưa lớn. Từ đêm nay và ngày mai, mưa gia tăng ở miền Bắc. Miền Trung tiếp tục có nắng nóng gay gắt. Tây Nguyên, Nam Bộ ít mưa.

Một phiên tòa xét xử của Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái.

Từ đầu năm đến nay, tuy số lượng vụ việc mà Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh phải thụ lý giải quyết tăng cao (hơn 10% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng TAND hai cấp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Dù còn đó rất nhiều khó khăn song có điện, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Với những nỗ lực của Công ty Điện lực Yên Bái, đúng 20h57 phút tối nay – 9/8, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã có điện trở lại trong niềm phấn khởi của bà con vùng cao đang chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục