Chị N.A (Hà Nội), có con trai 15 tuổi đang điều trị tâm lý vì chứng nghiện game cho biết, khi đưa con đến gặp bác sĩ, cháu đã có biểu hiện rối loạn tâm thần nặng như hay cáu gắt, phản ứng chậm, có xu hướng bạo lực, từ chối giao tiếp với gia đình...
"Khi bị gia đình cấm chơi game, ngắt mạng và tịch thu điện thoại, con đã chống đối bằng cách nhảy từ trên tầng 3 xuống, dẫn đến gãy tay”, chị A chia sẻ.
Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc, gia đình đã lập tức đưa con tới gặp bác sĩ để có biện pháp can thiệp, tuy nhiên, kết quả nhận được không khả quan.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, có tới 70 - 80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 - 15%. Nghiện game cũng được tổ chức này nhận định là một bệnh lý trong danh sách phân loại bệnh quốc tế.
Hiểm họa từ việc nghiện game ở trẻ vị thành niên
Theo Th.S-Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách, hiện nay, trẻ em thường bị nghiện game online, hay còn gọi là nghiện game theo nhu cầu đám đông. Khi chơi game online, đặc biệt là những trò chơi có nhiều người tham gia, não bộ của trẻ giải phóng dopamine khi được thỏa mãn nhu cầu ganh đua và khẳng định bản thân trong giai đoạn dậy thì.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách cũng nhận định rằng, có hai loại nghiện game, bao gồm nghiện phổ cập và nghiện sâu. Những trẻ nghiện phổ cập chỉ chơi game theo một thời gian biểu nhất định, ví dụ trong 2 đến 3 tiếng một tuần, bởi các em có ý thức tự quản lý đam mê của bản thân. Những trẻ nghiện sâu không có khả năng tự kiềm chế. Các em buộc phải chơi game liên tục để thỏa mãn, thậm chí bỏ quên khái niệm thời gian trong quá trình chơi. Nếu bố mẹ ngăn cấm, trẻ sẽ có những hành động cực đoan như chống đối cha mẹ bằng lời nói và hành động, tự làm hại bản thân... Do vậy, nghiện phổ cập có thể dùng liệu pháp tâm lý để điều trị, còn nghiện sâu phải dùng các liệu pháp áp chế.
Chia sẻ về quá trình dẫn tình trạng nghiện sâu ở trẻ vị thành niên, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách cho biết, thời gian giãn cách xa hội do dịch bệnh Covid-19 không phải là nguyên nhân chính: "Nghiện sâu là quá trình tích lũy lâu dài trong khoảng 4 năm, bao gồm thời gian làm quen với game, cày game và lún sâu vào cuộc đua giữa những người bạn trong game”.
Nghiện game ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Trẻ nghiện sâu thường xuyên có thói quen thức đêm ngủ ngày, làm thay đổi nhịp độ sinh học của cơ thể khiến não bộ không thể tái tạo được tế bào thần kinh, dẫn đến các triệu chứng loạn thần và hoang tưởng. Bên cạnh đó, việc tăng thời gian vào thế giới ảo cũng làm đảo lộn cuộc sống và các mối quan hệ của người chơi, khiến trẻ có xu hướng khép kín, tránh giao tiếp với gia đình, bạn bè...
Cần làm gì khi trẻ nghiện game?
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Bách, nếu không có sự can thiệp kịp thời, nghiện phổ cập rất dễ tiến triển thành nghiện sâu. Đối với trẻ mới ở tình trạng nghiện phổ cập, phụ huynh cần dõi sát sao, quản lý chặt thời gian trẻ chơi game. Thay vì để con chơi game thường xuyên, phụ huynh có thể cùng con tập luyện thể thao hoặc làm việc nhà trong thời gian rảnh.
"Nhiều phụ huynh thường miễn cho con việc nhà để con tập trung vào việc học. Tuy nhiên, phụ huynh nên cho con hoạt động chân tay. Các hoạt động này không chỉ giúp trẻ nâng cao sức khỏe, giảm căng thẳng sau giờ học mà còn giúp việc cai nghiện có hiệu quả cao hơn”, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách (ảnh trên) nói.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng khuyên phụ huynh nên chú ý đến thời gian ngủ nghỉ của các con. Thông thường, thời gian ngủ tốt nhất kéo dài từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau. Vào giữa ngày, phụ huynh cũng nên cho con nghỉ trưa từ nửa tiếng một tiếng, không cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử trong khoảng thời gian này để não bộ được thư giãn, giảm áp lực học hành.
Đối với trường hợp nghiện sâu, cần có sự can thiệp của bác sĩ, phụ huynh nên đưa các con đi điều trị kịp thời.
"Trong quá trình chữa trị cho trẻ nghiện sâu, các bác sĩ sẽ tiến hành tái tạo giấc ngủ, đưa trẻ vào chu trình sinh lý bình thường để giữ cho đầu óc tỉnh táo. Sau đó, mới tiến hành thực hiện các biện pháp trị liệu về tâm lý. Tình trạng nghiện càng sâu, quá trình chữa trị càng kéo dài. Có những trẻ mất tới 4-5 tháng để trở lại trạng thái bình thường”, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách chia sẻ về quá trình chữa trị cho các bệnh nhận nghiện sâu.
Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Hồng Bách cũng cho rằng, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phụ huynh cần phải trở thành một "người bạn lớn”, thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với con về những áp lực con gặp phải; tránh để con lún sâu vào thế giới ảo như một liệu pháp giải tỏa căng thẳng.
(Theo VOV)