Trong những năm qua, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ là địa chỉ uy tín đào tạo nghề có trình độ. Bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ trung cấp, liên kết đào tạo trình độ cao đẳng, đại học cho nhân dân, học sinh, người lao động tại tỉnh Yên Bái và các tỉnh khác, nhà trường còn tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho người dân trong khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Lâm Tuấn Khanh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Tính đến hết tháng 6/2023, nhà trường đào tạo tổng số 59 lớp với 2.192 lượt học sinh, học viên, sinh viên. Trong đó, đào tạo chính quy 30 lớp với 1.092 lượt học sinh; đào tạo thường xuyên 29 lớp với 1.100 lượt học sinh, học viên, sinh viên.
Những ngành, nghề ngắn hạn dưới 3 tháng của nhà trường hiện đang rất phù hợp với lao động nông thôn như thêu thổ cẩm; chăn nuôi thú y; nuôi cá nước ngọt; bảo vệ thực vật; chăn nuôi lợn; kỹ thuật trồng nấm; trồng hoa, cây cảnh; chăn nuôi lợn nái sinh sản; sản xuất rau an toàn; kỹ thuật nuôi ong mật; sản xuất mây tre song đan; kỹ thuật nấu ăn; may công nghiệp. Đào tạo nghề trên 3 tháng gồm điện dân dụng; may thời trang; sửa chữa xe máy; sửa chữa máy nông cụ; gò hàn; xây dựng”.
Nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu lao động,
Trường Cao đẳng Yên Bái đã xây dựng các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghề dưới 3 tháng trên cơ sở nhu cầu thực tiễn tại các địa phương.
Trong thời gian qua, Trường đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng nghề 1 tháng, 10 ngày nhóm nghề du lịch, nhà hàng, khách sạn như lớp du lịch cộng đồng, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật pha chế đồ uống, hướng dẫn du lịch, kỹ năng nghề du lịch, nghiệp vụ lưu trú nhà dân, nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ buồng phòng… Các lớp học được tổ chức tại 8/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh, góp phần tạo được nguồn lao động có chất lượng tại khu vực nông thôn.
Ông Nguyễn Sinh Phúc - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Nhà trường thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nghề dưới 3 tháng trên tinh thần các đề án của trung ương, các nghị quyết, quyết định của tỉnh; đào tạo nghề theo Đề án 1956 và các văn bản của UBND tỉnh về tiếp tục thực hiện Đề án 1956 khoảng 654 học viên; theo Nghị quyết 14 của HĐND tỉnh là 395 học viên; Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh là 100 học viên. Từ nay đến cuối năm, theo kế hoạch nhà trường sẽ đào tạo khoảng 300 học viên các lớp nghề ngắn hạn”.
Kế hoạch số 275/KH-UBND về việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 - 2025 xác định đào tạo các nghề đào tạo phục vụ cho sản xuất các sản phẩm chủ lực ở địa phương, sản phẩm có giá trị kinh tế gắn với phát triển du lịch nông thôn.
Đối với nghề đào tạo, yêu cầu các cơ sở đào tạo bổ sung cho người học kỹ năng về quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, quản trị marketing, tài chính, xây dựng các phương án sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; về đầu ra cho sản phẩm có truy suất nguồn gốc, chứng nhận an toàn, cấp mã vùng trồng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp.
Phát triển quản lý chuỗi cung ứng nông sản từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm..., đảm bảo lao động tiệm cận trình độ công nhân nông nghiệp; ưu tiên nghề mới như bán hàng Online, kinh doanh các sản phẩm nông sản địa phương, đào tạo các nghề phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp và nhu cầu học nghề nông nghiệp của người dân, nghề "Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp”…
Để thực hiện được mục tiêu này, trong thời gian tới, tỉnh chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hệ thống cơ sở đào tạo nghề đồng bộ với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu nhân lực trong nước, quốc tế; ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, đội ngũ nhân lực kỹ thuật, quản lý, quản trị doanh nghiệp; có giải pháp thông tin, tuyên truyền, tư vấn làm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề.
Thanh Vy