Khuyết tật vận động, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật ngôn ngữ… - những đứa trẻ không "vẹn tròn” cơ thể, trí tuệ nhưng được ấp ôm "tròn vẹn” bởi lòng yêu thương, nhân ái của cô giáo về hưu Hoàng Thị Vỵ ở thôn Ngòi Khang, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình. Cô Vỵ thực sự như người mẹ thứ hai với các em khi đã và đang dành tâm sức, tình thương vô điều kiện để tự nguyện dạy chữ miễn phí, chăm sóc cho những đứa trẻ vốn nhiều thiệt thòi.
Rời bục giảng sau nhiều năm tháng cống hiến cho ngành giáo dục, nhưng tình yêu nghề của cô Vỵ vẫn ăm ắp vẹn nguyên, để rồi hòa quyện với tình thương trước nỗi đau của những đứa trẻ khuyết tật ngay trên địa bàn xã, cô Vỵ quyết định chưa cho phép mình "nghỉ hưu” thực sự. Những đau đáu từ những lần tham gia công tác phổ cập, chứng kiến không ít trẻ khiếm khuyết chỉ quẩn quanh ở nhà, đã ấp ủ trong lòng cô về việc làm điều gì đó cho các em.
Cô Hoàng Thị Vỵ bảo rằng: "Các em thật sự quá thiệt thòi. Mình nghỉ hưu, có thời gian, muốn làm điều gì đó giúp cho chính các em và gia đình các em phần nào vơi bớt vất vả, thiệt thòi”. Suy nghĩ của một người đầy lòng nhân hậu không tính toán thiệt hơn đã thôi thúc cô tự tìm tòi, nghiên cứu những cách thức tiếp cận, chăm sóc trẻ khuyết tật, rồi chủ động đến tận nhà nhiều em nhỏ khuyết tật để dạy chữ, hỗ trợ gia đình chăm sóc các em và mở lớp tại thôn Ngòi Khang với 10 học trò "đặc biệt” tham gia học tập.
Không chỉ là bỏ thời gian, công sức mà còn cần cả sự kiên trì, nhẫn nại, sự bao dung lớn lao mới có thể chỉ bảo, dạy dỗ các em. "Có bạn ban đầu rất khó tiếp cận, chỉ bảo, có khi cáu giận bất ngờ. Ngay cả phụ huynh cũng có người không tin con mình có thể học được cái chữ. Những lúc ấy mình càng phải kiên tâm, kiên định, tin tưởng vào chính bản thân mình, rồi kiên trì dạy bảo các em từng tí một, động viên gia đình kiên nhẫn” - cô Vỵ sẻ chia tâm tư.
Những kiên trì, tận tâm của cô giáo Vỵ đều đã được đáp đền. Có những em đa khuyết tật nặng, nhờ cô mà cuối cùng cũng đã đọc được, viết được - những điều mà cả gia đình các em còn tưởng chẳng bao giờ có được.
Đến nay, 17 trẻ khuyết tật đã được cô Vỵ mang lại những đổi thay trong cuộc sống. Với cô giáo Hoàng Thị Vỵ, hạnh phúc chính là những đổi thay dẫu nhỏ bé, những nhận thức mới mẻ mà các học trò đặc biệt của mình có được. Trong 17 em, có 13 em có thay đổi rõ rệt về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, 4 em đọc, viết tương đối thành thạo, có em đã được đến trường cùng các bạn.
Đặc biệt, có em bị đa khuyết tật hiện tại đã đọc tốt và viết được bằng chân. Trái tim ấm, hành động đẹp của cô giáo người dân tộc Cao Lan luôn học Bác ở lòng nhân ái bao la, đã và đang mang lại những giá trị nhân văn, tốt đẹp cho cộng đồng.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Chủ tịch UBND xã Bảo Ái bảo rằng: "Lớp học đặc biệt của cô Vỵ trong hơn 2 năm qua được xã rất ủng hộ vì tính nhân văn tốt đẹp. Bản thân cô Vỵ với tấm lòng nhân hậu, việc làm ý nghĩa cho cộng đồng thực sự là một tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bình dị mà cao quý”.
Cũng với một tinh thần vì cộng đồng, trong vai trò là cán bộ đoàn thể ở cơ sở, suy nghĩ "làm gì, làm cách nào để mang lại những lợi ích thiết thực cho hội viên, phụ nữ của mình” luôn trăn trở trong lòng Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phù Nham (thị xã Nghĩa Lộ) Hoàng Thị Siêm.
Trăn trở ấy cũng xuất phát từ thực tế đời sống còn nhiều khó khăn của hội viên, phụ nữ khi hầu như gia đình nào cũng chỉ trông vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có tới 128 hộ hội viên phụ nữ là hộ nghèo. "Thế mạnh nông nghiệp thì trước hết phải tranh thủ, tận dụng nông nghiệp trong phát triển kinh tế cho chị em” - chị Siêm nghĩ vậy.
Và rồi, chị cùng cán bộ Hội Phụ nữ xã tích cực vận động, động viên chị em đưa cây lạc, cây dưa… cho năng suất cao vào sản xuất; rồi mở rộng, phát triển chăn nuôi quy mô lớn; đồng thời là trang bị, trau dồi thêm kiến thức cho chị em từ các lớp chuyển giao khoa học công nghệ, tập huấn sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thú y và hỗ trợ chị em tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.
Chương trình "Gian hàng sản phẩm nông nghiệp phụ nữ xã Phù Nham” gây quỹ tặng thẻ bảo hiểm y tế cho hội viên khó khăn do chị Hoàng Thị Siêm - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phù Nham (thị xã Nghĩa Lộ) khởi xướng.
Cũng từ động viên, khích lệ được chị em trong sản xuất nông nghiệp, lại mong muốn hỗ trợ những hội viên khó khăn có được tấm thẻ bảo hiểm y tế, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoàng Thị Siêm chính là người khởi sướng, sáng tạo ra "Gian hàng sản phẩm nông nghiệp phụ nữ xã Phù Nham” gây quỹ tặng bảo hiểm y tế cho hội viên, phụ nữ khó khăn.
Các sản phẩm của gian hàng đều là nông sản của hội viên phụ nữ trên địa bàn xã, qua đó vừa giúp giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của hội viên phụ nữ vừa tạo quỹ tặng bảo hiểm y tế cho phụ nữ khó khăn. Triển khai từ đầu năm 2023, trong 6 tháng thực hiện, sáng tạo đó của chị đã tạo nguồn quỹ hỗ trợ được 25 hội viên có thẻ bảo hiểm y tế.
Không chỉ là hỗ trợ hội viên mà muốn có thêm những hoạt động thiết thực trong tổ chức Hội và ý nghĩa với cộng đồng, Chương trình "Hũ gạo nhân ái” vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ ủng hộ gạo hàng tháng tạo nguồn quỹ hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đã được Chủ tịch Hội phụ nữ xã Phù Nham và cán bộ Hội thường xuyên động viên cán bộ, hội viên thực hiện. Từ những hạt gạo nhỏ bé do mỗi hội viên đóng góp, 4 năm qua, Hội Phụ nữ xã đã có nguồn quỹ 2,5 tấn gạo để thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ ý nghĩa.
Trên khắp các địa phương toàn tỉnh, những "bông hoa” trong "vườn hoa” dâng Bác rất đỗi bình dị mà cao quý. Đó có thể là một cán bộ dân tộc Mông ở thôn vùng cao đặc biệt khó khăn và xa nhất của huyện Văn Chấn như Hờ A Trừ - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Làng Mảnh, xã Sùng Đô đã nỗ lực không ngừng nghỉ vận động nhân dân khai hoang tập trung 25 ha ruộng nước, trồng mới cả vài chục héc-ta cây quế, trồng vài chục héc-ta ngô, chè Shan tuyết, mở rộng đường vào bản; gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế; tư vấn, định hướng cho bà con nhân dân thoát nghèo, tìm đầu ra cho nông sản của bà con; tiên phong đưa cây thảo quả, sa nhân về trồng và vận động người dân trong thôn cùng trồng để đời sống ngày một khấm khá...
Đó cũng có thể là một nông dân vùng cao bình thường nhưng đầy trách nhiệm với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như Vàng A Lâu - bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề (Mù Cang Chải) chẳng những tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương mà còn tự nguyện truyền dạy cho nhiều người cả trong và ngoài xã thổi khèn, chế tác khèn Mông, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc…
Đó còn là những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức luôn tận tụy với công việc; những y, bác sĩ hết lòng vì người bệnh; những nhà giáo ưu tú; công nhân lao động sáng tạo và trách nhiệm; chiến sĩ công an mưu trí, dũng cảm hay những cựu chiến binh, phụ nữ, nông dân gương mẫu đi đầu trong các phong trào ở cơ sở…
Họ đều học được ở Bác những điều giản dị từ cuộc sống, trách nhiệm trước Đảng, trước dân và làm theo Bác từ những việc làm hết sức đời thường, cụ thể, gần gũi mà thiết thực. 600 cá nhân toàn tỉnh được tuyên dương khen thưởng trong thực hiện Chỉ thị số 05 giai đoạn 2021-2023 cho thấy "vườn hoa” dâng Bác ngập tràn và thắm đượm sắc hương.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Minh Tuấn cho hay: "Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 được quan tâm chỉ đạo triển khai sâu rộng trong toàn Đảng bộ tỉnh, tạo sức lan tỏa trong các phong trào thi đua yêu nước và trong đời sống xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 3.358 tập thể, 2.787 cá nhân đăng ký xây dựng điển hình trên tất cả các lĩnh vực ở 3 cấp: tỉnh, huyện và cơ sở, trong số đó có 5 tập thể, 7 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen”.
Thu Hạnh