Theo BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2022, cả nước có hơn 4,9 triệu lượt người lao động (NLĐ) đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần. Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 10%. Trong đó, nữ giới tham gia rút BHXH một lần nhiều hơn nam giới - chiếm 55%; 80% người rút BHXH một lần có độ tuổi 20 - 40; tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long - chiếm 58% tổng số người hưởng. Riêng trong năm 2022, số trường hợp được giải quyết chế độ hưởng BHXH một lần gần 1 triệu người, tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhiều rủi ro
Đa số lý do rút BHXH một lần là để giải quyết khó khăn kinh tế trước mắt. Sau khi hưởng BHXH một lần, gần 1,3 triệu người quay lại tiếp tục tham gia đóng BHXH (chiếm khoảng 26% số người hưởng BHXH một lần giai đoạn này).
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam chỉ ra thực tế phần lớn NLĐ sau khi rút BHXH một lần đã tiêu hết rất nhanh số tiền này và khi về già lại đối mặt với nhiều khó khăn. Theo báo cáo nghiên cứu về rút BHXH một lần ở Việt Nam được ILO công bố mới đây cho thấy khoản chi trả BHXH một lần chiếm tỉ trọng lớn trong tất cả khoản rút một lần tại Việt Nam. ILO đánh giá khoản rút BHXH một lần nhìn qua có vẻ lớn, hấp dẫn với NLĐ nhưng có nhiều bất cập.
Không ai biết mình sống được bao lâu sau khi nghỉ hưu, có thể là 5 năm hoặc 30 năm và cũng không biết phải chi bao nhiêu cho đến cuối đời. Nếu không có phương án tiết kiệm, NLĐ sẽ gặp khó khăn khi về già. Nhiều người dùng khoản rút BHXH một lần đầu tư kinh doanh, mua nhà mới, cho con du học hoặc du lịch nước ngoài…. nhưng phần lớn tiêu hết rất nhanh, ngay cả với người có kế hoạch tài chính kỹ lưỡng.
Trong khi đó, theo khảo sát nhanh vào tháng 4-2023 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, NLĐ dự kiến chi tiêu số tiền rút BHXH một lần để tập trung vào các khoản: tiêu dùng cho cuộc sống bản thân, gia đình (42,4%); để trả nợ (44,7%). Việc sử dụng số tiền rút BHXH một lần của NLĐ chủ yếu là để giải quyết nhu cầu trước mắt, không mang lại hiệu quả, thậm chí chi tiêu hết trong khoảng thời gian ngắn, không có lợi cho tương lai lâu dài.
Theo các chuyên gia an sinh, khi nhận tiền một lần tức là NLĐ đã tự tiêu vào khoản tích lũy để dành khi về hưu của chính mình. Nếu sử dụng quyền của NLĐ với nguyên tắc đóng - hưởng, sau khi rút BHXH một lần, về già lại nhận trợ cấp xã hội là chưa thật sự công bằng. Do đó, dự án Luật BHXH sửa đổi với những điều chỉnh quy định về chế độ rút BHXH một lần sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 này cần đưa ra giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng rút BHXH một lần.
Tạo niềm tin cho người tham gia
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - trưởng phòng nhân sự một doanh nghiệp tại huyện Củ Chi, TP HCM - cho rằng muốn hạn chế việc rút BHXH một lần phải hiểu được lý do vì sao NLĐ đưa ra quyết định đó.
Theo bà Hiền, trong số những NLĐ rút BHXH một lần, có một bộ phận là do nhu cầu bức thiết về tài chính vì thu nhập thấp, không có nguồn tích lũy. Đồng thời, có những người rút không hẳn vì thiếu tiền mà do hiệu ứng đám đông, bất an trước sự thay đổi của chính sách BHXH hoặc thời gian chờ hưởng chế độ hưu trí lâu, trong khi không tìm được việc làm để duy trì tham gia BHXH lâu dài.
Chính sách BHXH phải bao quát
Một khi chính sách BHXH thay đổi theo hướng thu hẹp quyền lợi thì họ sẽ rút BHXH một lần. Để NLĐ ở lại hệ thống an sinh, cần làm cho họ an tâm bằng việc ổn định chính sách căn cơ lâu dài và thực hiện đúng những cam kết với NLĐ. "Cần chú trọng cải thiện tiền lương, thu nhập cho NLĐ sao cho không chỉ đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của họ mà còn có tích lũy, từ đó không phải bám víu vào "của để dành" - bà Hiền góp ý.
Theo luật sư Phan Thị Lan, Đoàn Luật sư TP HCM, lý do NLĐ chọn rút BHXH một lần ngoài để giải quyết các vấn đề cấp bách của bản thân, còn do vấn đề việc làm không được bảo đảm. Thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn luôn tìm cách sa thải NLĐ lớn tuổi. Mất việc ở tuổi xế chiều, NLĐ rất khó xin việc để tiếp tục tham gia BHXH. Mức lương hưu hiện nay cũng chưa hấp dẫn NLĐ. Do vậy, để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, nhà nước cần có các chính sách về bảo hộ việc làm cho NLĐ cũng như khuyến khích DN sử dụng lao động lớn tuổi; cần cải cách lương hưu và xem xét lại độ tuổi nghỉ hưu.
Ông Điều Bá Được, nguyên Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH - BHXH Việt Nam, cho rằng cần phải nghiên cứu quy định về mức sàn lương hưu hay mức lương hưu tối thiểu phải bảo đảm đủ sống, qua đó tạo được niềm tin cho người tham gia BHXH. Đồng thời bổ sung quy định NLĐ được vay khi gặp khó khăn đột xuất từ quỹ BHXH.
(Theo NLĐ)