Những kết quả tích cực trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nhờ Chương trình MTQG 1719
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) với mục tiêu đến năm 2025, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong các dân tộc thiểu số, tỷ lệ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm bằng 1,5 lần so với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh... thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân và triển khai các giải pháp thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương.
Từ đó, tạo động lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng dân tộc thiểu số.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ triển khai thực hiện cả 3 CTMTQG với tổng mức vốn đầu tư phát triển trung ương hỗ trợ 2 đợt là 2.552,863 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% vốn đầu tư toàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Riêng đối với Chương trình MTQG 1719 đã được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là 1.384,7 tỷ đồng, chiếm 54% tổng vốn đầu tư ngân sách Trung ương thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2023 là 1.195,5 tỷ đồng.
Việc triển khai thực hiện các CTMTQG đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò chủ thể của người dân. Đến nay, vốn đầu tư đã triển khai thực hiện 218 công trình, trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giao thông, thủy lợi, giáo dục, văn hóa; thực hiện và giải ngân đạt gần 400 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch. Vốn sự nghiệp thực hiện đạt 31 tỷ đồng, bằng 10% kế hoạch, tập trung chủ yếu thực hiện một số nội dung như hỗ trợ nước phân tán, mua sắm nông cụ máy móc; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch...
Mô hình 'thay đổi nếp nghĩ, cách làm' của đồng bào theo Chương trình MTQG 1719
An Giang đầu tư có trọng điểm Chương trình MTQG 1719, thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS
Hết năm 2022, kết quả rà soát việc triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo các CTMTQG đã đạt nhiều kết quả tích cực: giảm tỷ lệ hộ nghèo 5,15% so với năm 2021, trong đó số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 24.693 hộ, chiếm tỷ lệ 86,84% trong tổng số hộ nghèo. Toàn tỉnh có 13 xã khu vực III và 7 xã khu vực II được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của cả tỉnh 99/150 xã.
Riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,1%, cao hơn so với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là 5%; số thôn có nhà văn hóa đạt 96,8%. Số xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn 13/59 xã tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 95,5%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 97,6%; Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,5%.
Tích cực truyền thông sâu rộng đến người dân vùng dân tộc thiểu số
Trước đây, cuộc sống của người dân xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu gặp nhiều khó khăn: tỷ lệ hộ đói nghèo cao, cơ sở vật chất điện, đường, trường, trạm còn nhiều thiếu thốn, nhận thức bà con còn nhiều hạn chế, đồng bào dân tộc thiểu số còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hủ tục lạc hậu còn diễn ra...
Song với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự tích cực vào cuộc để tuyên truyền thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm, bà con đã tích cực tham gia vào các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, chương trình xóa nhà dột nát cho hộ nghèo và đặc biệt các dự án lồng ghép từ CTMTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG 1719 đã mang đến một diện mạo mới cho mảnh đất vùng cao này.
Ông Sùng A Đơ - người có uy tín tại thôn Suối Xuân, xã Phình Hồ, cho biết: "Do nhận thức của bà con vùng dân tộc không đồng đều nên lúc đầu tuyên truyền để ba con hiểu, nghe và làm theo không đơn giản. Xác định phải bằng cách "mưa dầm thấm lâu", chúng tôi ngoài tích cực tuyên truyền trong các cuộc họp bản, tranh thủ tuyên truyền lồng ghép trong các lễ hội của thôn thì chúng tôi cũng đến tận nhà bà con để tuyên truyền. Dần dần người dân đã hiểu ra và đồng tình ủng hộ, đóng góp ngày công lao động, hiến đất, hiến kế, góp tiền mở đường giao thông nông thôn, đẩy lùi hủ tục, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo".
Đồng chí Trần Xuân Thủy - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: "Để tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Chương trình MTQG 1719, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng mục tiêu của Chương trình nhằm thay đổi, chuyển biến nhận thức trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là hộ dân tộc thiểu số nghèo.
Cùng với đó, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, các dự án sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả nhằm đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân của chương trình; tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời nêu cao vai trò giám sát cộng đồng trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công, phát hiện kịp thời những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Chương trình".
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.
(Theo SKĐS)