Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Nghị định số 116/2021/NĐ- CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy; công tác cai nghiện ma túy nói chung đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội ở địa bàn cơ sở.
Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng còn hạn chế, nhiều địa phương chưa quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn lực triển khai, số người cai nghiện đạt tỉ lệ thấp.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; chỉ đạo của Bộ LĐTB&XH; để hỗ trợ Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố trong việc tham mưu tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã ban hành "Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình và cộng đồng".
Đối tượng, thủ tục đăng ký, địa điểm, quy trình cai nghiện tự nguyện
Theo đó, Tài liệu hướng dẫn các nội dung chính về đối tượng, thủ tục đăng ký, địa điểm, quy trình cai nghiện tự nguyện; chuẩn bị, bảo đảm các điều kiện thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện.
Một số điểm đáng lưu ý như: Tiêu chí xác định người có nơi cư trú ổn định, người không có nơi cư trú ổn định, trình tự thủ tục xác định nơi cư trú của người nghiện ma túy được thực hiện theo quy định tại Điều 41, Nghị định 105/2021/NĐ-CP.
Công an cấp xã nơi người nghiện ma túy cư trú hoặc cơ quan Công an nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của người nghiện hướng dẫn người đó thực hiện đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định.
Đối với trường hợp không đăng ký cai nghiện tự nguyện, người nghiện, gia đình người nghiện có thể lựa chọn hình thức đăng ký tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại các cơ sở y tế (đối với người nghiện các chất dạng thuốc phiện).
Thời lượng thực hiện từng giai đoạn, địa điểm thực hiện các dịch vụ hỗ trợ cai nghiện... người nghiện, gia đình người nghiện phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ và tư vấn của cán bộ cấp xã được giao nhiệm vụ tư vấn, quản lý, hỗ trợ người cai nghiện tự nguyện để xây dựng kế hoạch cai nghiện cụ thể.
Trong đó, giai đoạn "Tiếp nhận, phân loại" và "Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác" được thực hiện ở các cơ sở đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; đã được công bố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện hoặc cấp giấy phép hoạt động cai nghiện ma tuý. Giai đoạn "Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách" có thể thực hiện tại gia đình với sự hỗ trợ của cộng đồng và cán bộ cấp xã được giao nhiệm vụ tư vấn, quản lý, hỗ trợ người cai nghiện tự nguyện.
Chuẩn bị, bảo đảm các điều kiện thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện
Tài liệu cũng hướng dẫn việc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị về điểm tiếp nhận đăng ký cai nghiện tự nguyện cấp xã; xây dựng hệ thống dịch vụ, đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; chuẩn bị nhân sự thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Lưu ý, đối với địa bàn không có tổ chức, cá nhân đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hoặc có nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp các dịch vụ cai nghiện tự nguyện; căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, nhu cầu cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn, đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện: Chỉ định, giao nhiệm vụ cho một hoặc một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc trên địa bàn (cơ sở y tế, trạm y tế cấp xã, cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội, Trung tâm y tế cấp huyện, điểm tư vấn hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, điểm vệ tinh thuộc cơ sở cai nghiện ma túy công lập...) thực hiện việc cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (theo một hoặc một số dịch vụ quy định tại Điều 15, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP).
Xây dựng dự án nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phương án bố trí nhân sự đối với đơn vị được chỉ định, giao nhiệm vụ để thực hiện việc cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định của pháp luật (đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 16, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP). Bố trí kinh phí hàng năm thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định của pháp luật.
Đối với địa bàn cấp huyện khó khăn trong việc chỉ định, giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc để cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; UBND cấp huyện báo cáo, đề xuất Sở LĐTB&XH nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xây dựng, trình Đề án thành lập đơn vị trực thuộc cơ sở cai nghiện ma túy công lập theo quy định tại Thông tư số 29/2022/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2022 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH để thực hiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Chỉ đạo cơ sở cai nghiện ma túy công lập thực hiện các thủ tục gửi UBND cấp huyện để công bố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định tại Điều 20, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.
Trường hợp địa phương chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thì định mức chi phí, giá dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng được xác định theo quy định của pháp luật về giá hoặc được xây dựng trên cơ sở mức bình quân chi phí hợp lý, hợp lệ thực hiện của cơ sở cai nghiện ma túy công lập 3 năm trước liền kề (Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập)...
(Theo chinhphu.vn)